Thủy sản xuất khẩu đi châu Âu nhưng không đủ chuẩn vào siêu thị Việt Nam

09:49 08/07/2021

Sản phẩm thuỷ sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), nhưng hiện doanh nghiệp lại không thể đưa một số mặt hàng thủy sản vào các siêu thị trong nước vì lý do không đạt quy định của Việt Nam về các chỉ tiêu kháng sinh.

  

 Bất cập trong quy định khiến nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu lại không thể bán vào các siêu thị trong nước ( Ảnh Internet)

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sản phẩm thuỷ sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), nhưng hiện doanh nghiệp lại không thể đưa một số mặt hàng thủy sản vào các siêu thị trong nước vì lý do không đạt quy định của Việt Nam về các chỉ tiêu kháng sinh. Hiện, VASEP đã phản ánh đến lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị có hướng tháo gỡ.

VASEP cho rằng doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tiêu thụ hàng thuỷ sản tại thị trường nội địa nhằm thực hiện chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh, tiêu thụ hàng thuỷ sản tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn vướng mắc.

Cụ thể, tại phụ lục 2 của thông tư ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã số HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam ngày 1-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin có trong danh mục "hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thuỷ sản”, nhưng chưa quy định ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) đối với các chỉ tiêu này.

Theo VASEP, trong thông tư 24/2013-BYT của Bộ Y tế quy định mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc thú ý có trong thực phẩm cũng không có quy định hai loại kháng sinh nêu trên.

Trong khi đó, VASEP cho rằng quy định của thị trường EU lại cho phép ngưỡng MRL đối với hai loại kháng sinh nêu trên trong sản phẩm thuỷ sản là 100ppb (theo quy định về phân loại các hoạt chất có dược tính và giới hạn dư lượng tối đa cho phép các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật của EU).

Trong công văn của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo về việc cập nhật quy định của thị trường EU, ngưỡng MRL trong sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu sang EU cũng ở mức 100ppb.

Theo VASEP, thị trường EU - một trong những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm - cho phép ngưỡng MRL của hai chất kháng sinh nêu trên là từ bằng đến nhỏ hơn 100ppb, trong khi các siêu thị ở trong nước thì lại không chấp nhận do tuân thủ quy định thông tư ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã số HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam ngày 1-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vấn đề nêu trên đã gây ra bất cập cho doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thuỷ sản tại thị trường nội địa. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xem xét đưa kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin vào danh mục kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản nội địa với ngưỡng tương đương thị trường EU.

Trước đó, Bộ Công thương cũng có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động tiêu thụ thủy sản tại thị trường trong nước.

Bộ Công thương đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Thông tư quy định về ngưỡng giới hạn phân tích tối thiểu (MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa.

Đồng thời xem xét đề xuất của VASEP đưa 02 kháng sinh Enrofloxacin và Ciprofloxacin từ Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, sang Danh mục hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản với ngưỡng giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) ≤ 100ppb như quy định hiện hành của châu Âu…

TH