Thuế tối thiểu toàn cầu triển khai, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI sắp bị vô hiệu?

16:08 18/04/2023

Theo Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng với doanh nghiệp FDI.

Ảnh minh họa

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.

Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu, Thuỵ Sỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hongkong, Australia… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và đây sẽ là các quốc gia có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu các quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì các biện pháp ưu đãi thuế trước đây của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng. Từ đó, việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư quốc gia sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trên thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới và có nhiều yếu tố kỹ thuật. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động rất lớn.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, nhấn mạnh Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Quỳnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam đang có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15% và giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20% như hiện nay.

Chuyên gia này cũng cho rằng việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần xác định mục tiêu rõ ràng, không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư. Thêm vào đó, các nhà hoạch định chính sách cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư...

“Cùng với việc xem xét sửa đổi chính sách ưu đãi thuế hợp lý hơn, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế, như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp...,” ông Quỳnh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam đề xuất Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo. Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, Việt Nam cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn.

Ông Choi Joo Ho khuyến nghị với xuất phát điểm từ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam nên thay đổi chính sách hỗ trợ đầu tư để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí trực tiếp bằng tiền, đồng thời áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn theo khuyến nghị của OECD để giữ quyền đánh thuế đối với thu nhập có được tại Việt Nam.

Ông Robert King - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam nhận định bài toán về chính sách đặt ra cho Việt Nam tại thời điểm này là đạt được hai mục tiêu quan trọng về chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Vì vậy, ông Robert King đề nghị Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Hơn nữa, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh, trong đó các khoản hỗ trợ phải đảm bảo sẽ không chỉ áp dụng cho những đối tượng bị ảnh hưởng của việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu, mà cần mở rộng ra cho cả các đối tượng khác. 

Ngoài ra, Chính phủ có thể cân nhắc giải pháp tài chính hỗ trợ song không được thể hiện mối liên quan đến số thuế nộp bổ sung.

Đại diện Ernst & Young cho rằng, bối cảnh suy thoái kinh tế chung cùng lúc các quy tắc mới về thuế tối thiểu được áp dụng có thể xem như là tác động kép đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, đối tượng ảnh hưởng của các quy tắc này lại là các doanh nghiệp lớn mà Việt Nam đang muốn thu hút. Vì vậy, tại thời điểm này sự đồng hành của Chính phủ với nhà đầu tư là yếu tố đặc biệt quan trọng hơn bao giờ hết để giữ chân và thu hút “đại bàng".

Tại Việt Nam, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia hiện ở quanh ngưỡng 12,3%. Thậm chí, một số tập đoàn đa quốc gia lớn hiện được Việt Nam cho hưởng thuế suất ưu đãi chỉ từ 2,75-5,95%, thấp hơn nhiều quy định chung là 20%.

Như vậy, nếu Việt Nam tham gia vào cơ chế này thì cần phải sớm sửa đổi ít nhất 3 đạo luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định có liên quan cho phù hợp với quy định quốc tế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao (Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn...). Theo đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Bắc Hà