Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan: Mong muốn Ba Lan và Việt Nam cân bằng giá trị thương mại

21:39 25/02/2023

Ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan mong muốn Ba Lan và Việt Nam sẽ cân bằng giá trị thương mại, việc thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giữa 2 nước cũng với kỳ vọng giúp cân bằng lại xuất nhập khẩu giữa 2 nước.

Ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan
Ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan. 

Chia sẻ này được ông đề cập đến vào ngày 24/02/2023, tại họp báo giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Ba Lan với tiêu đề: “Châu Âu đầy ắp mùi vị - truyền thống và chất lượng!” do Trung tâm xúc tiến- Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) và Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI HCM) tổ chức.

Tham dự sự kiện còn có sự hiện diện của ông Alexander Novakowski, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam; bà Bożena Wróblewska – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Phòng TM&CN Ba Lan; ông Pawel Niemczuk, Trưởng phòng Thanh tra ngành Thú y Ba Lan, ong Piotr Ziemann, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất thịt chế biến Ba Lan và đại diện các doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ba Lan.

Ông Lech Kolakowski, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan mong muốn Ba Lan và Việt Nam sẽ cân bằng giá trị thương mại, việc thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giữa 2 nước cũng với kỳ vọng giúp cân bằng lại xuất nhập khẩu giữa 2 nước. Tính riêng năm 2022, Ba Lan đã xuất khẩu 154 triệu USD về nông phẩm, thực phẩm sang Việt Nam, còn Việt Nam sang Ba Lan đã đạt gấp 2 lần là 304 triệu USD. 

Ảnh minh họa
Họp báo giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Ba Lan với tiêu đề: “Châu Âu đầy ắp mùi vị - truyền thống và chất lượng!”

"Tôi xem Việt Nam là thị trường nông nghiệp rất quan trọng và lâu dài. Do đó, điều tôi mong muốn là luôn rất cố gắng hợp tác và duy trì mối quan hệ giữa song phương hai nước. Chúng tôi rất mong đợi sản phẩm nông nghiệp từ Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung sẽ xuất hiện nhiều trong cửa hàng, nhà hàng, siêu thị, đặc biệt là trên bàn ăn của nhiều gia đình tại Việt Nam. Hiện nay Ba Lan đang đứng đầu trong việc sản xuất về thịt gà, thịt bò, thịt heo, thịt ngỗng và đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ sữa. Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt trên hơn 200 thị trường trên thế giới. Và dân số Việt Nam có gần 100 triệu người dân cho nên thực phẩm Ba Lan sẽ có cơ hội tại đây”, ông Lech Kolakowski chia sẻ thêm.

Vị Thứ trưởng này cũng nhấn mạnh, thực phẩm Ba Lan hiện nay rất an toàn và chất lượng. Mong muốn Việt Nam sẽ là trung tâm phân phối thực phẩm của Ba Lan và mở rộng ra thị trường Đông Nam Á. Hiện Ba Lan là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại khu vực Đông Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài Liên minh châu Âu (EU). Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: hàng may mặc, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê hay giày dép các loại. Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan sẵn sàng cung cấp danh sách những doanh nghiệp giết mổ hiện tại đang sản xuất thịt để xuất khẩu, vì họ rất cẩn trọng khi lựa chọn các đơn vị sản xuất thịt cho xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. 

Doanh nghiệp Ba Lan chia sẻ tại họp báo
Doanh nghiệp Ba Lan chia sẻ tại họp báo. 

Khi nói về sự cạnh tranh giá với nông sản Việt Nam, ví dụ như ngô, ông cho rằng, Việt Nam cũng giống như tất cả các đất nước trên thế giới phải bảo vệ những nhà sản xuất nông phẩm và thực phẩm tại đất nước mình, tuy nhiên, giống ngô của Ba Lan chủ yếu để sản xuất cám và cung cấp thức ăn cho bò, gà, heo và giống ngô dùng sản xuất thực phẩm là gần như không có. Vì vậy, sự cạnh tranh về giá có thể không diễn ra.

Trước đó, tháng 6/2022 Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT Ba Lan đã có chuyến sang Việt Nam và ký kết hiệp định mở cửa xuất khẩu thịt bò, việt quốc và một số loại thịt như là vịt, ngỗng vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã cử một phái đoàn Việt Nam kiểm định sản phẩm và chất lượng an toàn thực phẩm ngay tại nhà sản xuất Ba Lan.

Nhằm hướng đến những người tiêu dùng ở các nước châu Á, các nhà sản xuất của Liên minh châu Âu đã chuẩn bị một vòng các cuộc gặp gỡ quảng bá các sản phẩm thực phẩm xuất sắc của châu Âu – thịt, hoa quả và rau. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Không chỉ thế, tính đến cuối năm 2022, Ba Lan xếp thứ 36 trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 27 dự án, tổn vốn đăng ký trên 400 triệu USD, với các lĩnh vực chủ yếu là các dự án 100% vốn nước ngoài, tập trung trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thông tin truyền thông.

 Mị Dung