Giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan

22:36 07/12/2022

Các cơ quan xúc tiến thương mại của Ba Lan thảo luận với Việt Nam về việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thực phẩm của Ba Lan như thịt bò, thịt vịt, thịt ngỗng, trái cây để đưa vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam.

Giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan
Giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan.

Tại chương trình giao lưu thương mại Việt Nam – Ba Lan do Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan (KIGCP) phối hợp Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ về nội dung Việt Nam – Ba Lan còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản thực phẩm nhờ những lợi thế bổ sung cho nhau. 

Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu, ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài EU. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 và giá trị nhập khẩu của việt Nam từ thị trường này đạt trên 500 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ.

Riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ba Lan đạt trên 1,6 tỷ USD. Trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt trên 1,4 tỷ USD và giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 200 triệu. Tuy Việt Nam đang xuất siêu sang Ba Lan, nhưng tốc độ tăng trưởng của giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đang tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường này cho thấy cán cân thương mại đang dịch chuyển theo hướng cân bằng hơn. 

Ảnh minh họa
Các cơ quan xúc tiến thương mại của Ba Lan cũng đã thảo luận với Việt Nam về việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thực phẩm của Ba Lan như thịt bò, thịt vịt, thịt ngỗng, trái cây để đưa vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm: Hàng may mặc, giày dép thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê. Ngược lại Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn.

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Việt Nam và Ba Lan đều là hai quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sản phẩm của hai bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, cá tra, cá basa, tôm, sản phẩm xoài, dứa, chanh leo, cà phê, hạt điều…

Ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi và chế biến, trái cây tươi và đóng hộp, chiết xuất trái cây đậm đặc, thịt bò, thịt cừu, thịt heo… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU. Với kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bằng công nghệ cao nhiều năm của Ba Lan, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm để cải tiến công nghệ nông nghiệp bao gồm đầu tư vào nông nghiệp chuyên ngành, phân bón và máy móc.

Các cơ quan xúc tiến thương mại của Ba Lan cũng đã thảo luận với Việt Nam về việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thực phẩm của Ba Lan như thịt bò, thịt vịt, thịt ngỗng, trái cây để đưa vào hệ thống siêu thị tại Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có tình hình kinh tế chính trị ổn định, đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, là quốc gia tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Hoạt động thương mại song phương Việt Nam – Ba Lan được hỗ trợ đắc lực bởi các cam kết trong EVFTA sẽ giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

P.V (t/h)