Thông qua dự chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ở mức 1.784.600 tỷ đồng

22:25 03/01/2022

Trong năm 2022, mức bội chi ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, bao gồm bội chi ngân sách Trung ương và địa phương.

Với Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022, Quốc hội đã thông qua những chỉ tiêu cơ bản trong dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022. Theo đó, tổng số thu NSNN là 1.411.700 tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021; tổng số chi NSNN là 1.784.600 tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021.

Trong năm 2022, mức bội chi NSNN được Quốc hội thông qua là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, bao gồm bội chi ngân sách Trung ương (NSTW) là 347.900 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 25 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,3% GDP. Trong năm 2022, tổng mức vay của NSNN là 572.686 tỷ đồng.

Thông qua dự chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ở mức 1.784.600 tỷ đồng
Thông qua dự chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ở mức 1.784.600 tỷ đồng.

Tại Báo cáo ngân sách dành cho công dân năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu tổng quát của dự toán NSNN năm 2022 là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Năm 2022, Chính phủ cũng xác định sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm chi NSNN.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ để xây dựng dự toán NSNN năm 2022 dựa trên tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, cùng với đó, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2% và giá dầu thô 60 USD/thùng.

Liên quan đến chi cho phòng chống dịch Covid-19, tại Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2022, Quốc hội cũng bổ sung, điều chỉnh dự toán NSNN năm 2021. Theo đó, trường hợp đã sử dụng hết nguồn NSĐP, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022. Đồng thời, cho phép chuyển nguồn 16 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 6 nghìn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 6 nghìn tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 4 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Nghị quyết số 40/2021/QH15 về phân bổ NSNN 2022 do Quốc hội ban hành, tổng thu NSTW là 739.132 tỷ đồng và tổng thu NSĐP là 672.568 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi NSTW là 1.087.032 tỷ đồng, trong đó dự toán 359.982 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho NSĐP. Theo Nghị quyết 40, tổng chi NSTW là 1.087.032 tỷ đồng sẽ bao gồm chi bổ sung cân đối cho NSĐP là 245.721 tỷ đồng và chi NSTW theo lĩnh vực là 841.311 tỷ đồng. Trong chi NSTW, chi đầu tư phát triển là 222.000 tỷ đồng, chi dự trữ quốc gia là 1.700 tỷ đồng, chi trả nợ lãi là 103.700 tỷ đồng, chi viện trợ 1.800 tỷ đồng, chi dự phòng NSTW là 20.500 tỷ đồng và chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 1.000 tỷ đồng và chi thường xuyên là 490.611 tỷ đồng.

Thực hiện phân bổ NSNN năm 2022, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư NSNN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn NSNN tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2022.

PV