Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc bùng nổ trong năm 2020 bất chấp tác động của dịch Covid-19

08:15 19/12/2020

Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc tiếp tục bùng nổ ngay cả khi doanh số toàn cầu của ngành này giảm sâu. Trung Quốc được đánh giá là thị trường xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng năm nay khi người dân nước này không thể đi nước ngoài mua hàng hiệu.

Thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh "không gì cản nổi" ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu với những mặt hàng đắt trên thế giới ở mức rất thấp.

Theo một báo cáo vừa được công bố bởi Alibaba và hãng tư vấn Bain, thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc tăng trưởng 48% năm nay, lên khoảng 52,9 tỷ USD bất chấp đại dịch.

"Trung Quốc là thị trường xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng năm 2020. Thị trường này tại Trung Quốc hiện lớn hơn bao giờ hết", Bruno Lannes, đối tác của Bain ở mảng sản phẩm tiêu dùng và bán lẻ cho biết.

Xét ở bình diện toàn cầu, thị phần hàng xa xỉ của Trung Quốc đại lục tăng gấp đôi từ 11% năm ngoái lên 20% vào năm nay.

Trung Quốc là thị trường xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng năm nay khi người dân nước này không thể đi nước ngoài mua hàng hiệu.
Trung Quốc là thị trường xa xỉ lớn duy nhất tăng trưởng năm nay.

Năm nay, sự bùng nổ của thị trường xa xỉ tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi khách hàng trong nước - những người trước đây thường mạnh tay mua sắm hàng hiệu khi đi du lịch nước ngoài.

"Mua sắm hàng xa xỉ ở Trung Quốc đạt đỉnh năm nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ở Trung Quốc không thể bù đắp lượng tiêu thụ bị hụt mất của người Trung Quốc ở nước ngoài", báo cáo của Alibaba và Bain cho biết. Hai đơn vị này cũng dự báo thị trường xa xỉ toàn cầu sẽ sụt giảm 23% trong năm nay khi đại dịch vẫn tiếp tục hạn chế việc du lịch và mua sắm tại nhiều quốc gia.

Từ đâu mà Trung Quốc là điểm sáng của thị trường xa xỉ toàn cầu trong năm COVID?

Trung Quốc đã tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng ngăn chặn các đợt bùng phát dịch sớm, cho phép nền kinh tế của nước này tăng trưởng trở lại.

Đến tháng 4, người tiêu dùng đã bắt đầu săn lùng túi xách, giày dép và đồ trang sức đắt tiền, mang lại cho các nhà bán lẻ le lói hy vọng khi doanh số bán hàng ở các thị trường khác giảm sút.

Giới nhà giàu Trung Quốc vẫn đổ tiền mua hàng hiệu dù đại dịch COVID khiến kinh tế khó khăn
Giới nhà giàu Trung Quốc vẫn đổ tiền mua hàng hiệu dù đại dịch COVID khiến kinh tế khó khăn.

Việc người dân không thể đi du lịch nước ngoài khiến doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc tăng trưởng. Một yếu tố khác cũng thúc đẩy việc tăng doanh số là tâm lý chi tiêu bù hay giải phóng nhu cầu bị dồn nén sau nhiều tuần giãn cách xã hội. Xu hướng này tạo ra sự gia tăng doanh số trong mùa xuân của một số thương hiệu như Tiffany và Burberry. Bên cạnh đó, các biện pháp kích cầu của chính phủ Trung Quốc như phát phiếu giảm giá để khuyến khích người dân đi mua sắm cũng thúc đẩy tiêu dùng thị trường xa xỉ.

LVMH, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, đã chỉ ra "sức mạnh to lớn đến từ Trung Quốc đại lục" trong một báo cáo vào tháng 10.

Giám đốc Tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu của người dùng, chúng tôi không có gì phải lo lắng. Vấn đề chỉ là, ở thời điểm hiện tại, việc hạn chế đi lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc mua sắm bên ngoài Trung Quốc của khách hàng. Việc này rõ ràng là ảnh hưởng tới sự tăng trưởng trong các quý tới".

Năm tới, thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc được dự báo vẫn tiếp tục tăng nhưng có thể không bằng năm 2020. Hầu hết thương hiệu tin rằng thị trường này sẽ tăng trưởng khoảng 30% khi các quốc gia khác bắt đầu đón khách trở lại. Trong 5 năm tới, tỷ trọng chi tiêu trong nước cho hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm dần khi mọi thứ trở lại bình thường, theo báo cáo.

Các chuyên gia tại Bain vẫn dự báo rằng, 5 năm tới, Trung Quốc có thể vươn lên thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới ngay cả khi thế giới trở lại trạng thái bình thường như trước Covid-19.

Hãng xa xỉ Trung Quốc "đua" lên sàn thương mại điện tử

Theo thống kê từ Bain & Company, Trung Quốc đóng góp đến 33% trong tổng doanh số 300 tỷ USD của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu năm 2018. Trong đó, doanh số đến từ thương mại điện tử chiếm 23%, gần gấp đôi năm 2017. Và dĩ nhiên, Trung Quốc cũng dẫn đầu xu hướng này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Vì sao thương mại điện tử ngành hàng xa xỉ lại phát triển như vậy ở Trung Quốc? Đó chính là vì quá trình mua hàng (customer journey) độc đáo của quốc gia này.

Tại Trung Quốc, người tiêu dùng không chỉ mua hàng bằng cách lên các nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon để tìm kiếm sản phẩm, đọc thông tin, so sánh mẫu mã, giá cả. Thay vào đó, người tiêu dùng Trung Quốc lại phát cuồng với hình thức livestream bán hàng trên mạng xã hội hoặc các nền tảng streaming.

Có thể nói Trung Quốc là thiên đường của livestream bán hàng. Đầu tháng 10/2020, Tân Hoa Xã đưa tin livestream đã trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất Trung Quốc nửa đầu 2020, với 10 triệu hoạt động livestream thu hút hơn 50 tỷ lượt xem. Không chỉ vậy, livestream còn hot đến nỗi tạo ra những người nổi tiếng trong lĩnh vực này như “ông hoàng son môi” Lý Giai Kỳ. Thậm chí những tên tuổi hàng đầu trong nền giải trí Trung Quốc cũng tham gia livestream bán hàng cho các thương hiệu.

Các đơn vị bán lẻ ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc rất thích cách thức bán hàng này, bởi đây là cách kiểm soát thương hiệu trực tuyến khá hiệu quả. Không chỉ vậy, sự xuất hiện trực tiếp của những người đại diện thương hiệu (thường là các ngôi sao nổi tiếng) trong livestream bán hàng cũng thu hút rất nhiều người xem, thúc đẩy khả năng bán hàng.

Bên cạnh yếu tố người livestream, các công nghệ hỗ trợ cũng đóng góp một phần lớn cho sự phát triển của hình thức bán hàng này. Chẳng hạn ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã phát triển ứng dụng Tmall Luxury Pavilion năm 2017 và cung cấp rất nhiều tính năng cho các đơn vị bán lẻ ngành hàng xa xỉ, chẳng hạn xây dựng những cửa hàng pop-up, lookbook kỹ thuật số, tích hợp Tmall livestream. 

Hiện nay, đã có hơn 200 thương hiệu xa xỉ xây dựng các cửa hàng ảo trên Alibaba. Với mỗi đơn hàng, Alibaba thu 5% hoa hồng. Tháng trước, Alibaba đã hợp tác với nền tảng bán hàng xa xỉ online Farfatch, Richemont (Thụy Sỹ) và Kering trong một thương vụ trị giá 1.1 tỷ USD.

Thế giới có thể cười chê Trung Quốc với “Abibas” hoặc “Pizza Huh”, tuy nhiên sự phát triển của họ trong thương mại điện tử ngành hàng xa xỉ thực sự rất đáng học hỏi.

Bảo Bảo