Theo dõi việc quản lý, điều hành giá hàng hóa - dịch vụ thiết yếu

22:55 17/05/2023

Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 951/QĐ-BTC về kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện các quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Cùng với đó, xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành (theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu và lao động, việc làm) để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo dõi việc quản lý, điều hành giá hàng hóa - dịch vụ thiết yếu
Theo dõi việc quản lý, điều hành giá hàng hóa - dịch vụ thiết yếu.

Kế hoạch đã quy định rõ, lĩnh vực, phạm vi, đối tượng theo dõi là tình hình thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lao động, việc làm.

Về các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Kế hoạch nêu rõ, xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành cần theo dõi và hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.

Trong đó quy định rõ việc xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm; tổng hợp, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết và lao động, việc làm...

Tại Kế hoạch này, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Vụ Pháp chế là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nội dung theo phân công. Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 và trình Bộ gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 10/12/2023.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI có xu hướng giảm do giá thực phẩm giảm khi nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới; học phí tại một số địa phương được điều chỉnh… Ngoài ra, giá cả nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống... giảm mạnh.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu điều hành hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, giữa bên trong và bên ngoài. Theo Thủ tướng, hiện lạm phát vẫn được kiểm soát trong mục tiêu Quốc hội giao và đang giảm dần, do đó, ưu tiên hơn cho tăng trưởng từ tháng 4, tháng 5 và những tháng tiếp theo.

Ý kiến nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, CPI tại Việt Nam đang có nhiều tín hiệu khả quan, với khả năng lớn sẽ đạt được theo chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2023 khoảng 4,5%. Tuy vậy, trong văn bản trả lời cử tri về điều hành giá, Bộ Tài chính nhận định, còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất, cùng với đó là việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý...

Vì thế, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, qua đó góp phần ổn định mặt bằng giá cả, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Trong đó, giá xăng dầu trong nước được điều hành nhất quán, đúng quy định phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

P.V (t/h)