Thanh Hóa nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

16:14 08/09/2023

Ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang là xu hướng tất yếu để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ. Do đó, ngành nông nghiệp đã phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; có lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh so với các sản phẩm nông nghiệp khác trên thị trường; có tiềm năng về quy mô và tốc độ tăng trưởng; thu hút được các nguồn lực đầu tư để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm, gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Việc cùng với nông dân hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn và là một mắt xích quan trọng trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đã tạo điều kiện cho hợp tác xã ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực với doanh nghiệp để thực hiện chế biến, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp. Ước tính, hiệu quả sản xuất theo mô hình liên kết cao hơn từ 20 - 50% trở lên so với sản xuất truyền thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến giúp các HTX giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất, hướng tới mục tiêu sản xuất chuỗi giá trị nông sản công nghệ cao kết hợp phát triển mô hình nông nghiệp xanh, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến giúp các HTX giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất (Ảnh minh họa)
Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến giúp các HTX giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất (Ảnh minh họa).


Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 3,65% cao nhất từ trước đến nay, tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) 66.280 tỷ đồng, (đứng thứ 9 toàn quốc), xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 321,6 triệu USD có mặt ở trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao, Thanh Hóa đã phê duyệt ban hành 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư phát triển, đến nay đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: vùng lúa thâm canh 150.000 ha, vùng ngô thâm canh 20.000 ha, vùng mía nguyên liệu 14.300 ha, vùng sắn nguyên liệu 13.500 ha…xây dựng được 1.295 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…
Phát huy những thành quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì hướng tới mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn, hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất giúp người dân giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích.

Hiện nay hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ
Hiện nay hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ.


Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện nay thanh Hóa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên, cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tại nhiều địa phương, lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chưa tương xứng với tiềm năng do một số nguyên nhân, như trình độ sản xuất của người lao động còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nhất là ở khu vực miền núi. Để đầu tư phát triển NNCNC, phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường đất, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động... 
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất một số sản phẩm NNCNC chưa tương xứng với đầu tư; các hộ dân, HTX, DN chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển những mô hình sản xuất NNCNC còn gặp khó khăn trong công tác tích tụ, tập trung đất đai, do tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho DN, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng, hoặc cho thuê thời hạn ngắn. Khó khăn về tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất; dự báo nhu cầu, thông tin thị trường chưa được thực hiện một cách hệ thống.
vì vậy, ngoài việc tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm NNCNC đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phá bỏ những rào cản mà các DN và người dân đầu tư sản xuất NNCNC đang phải đối mặt nhằm nhân rộng mô hình và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, DN, trong đó, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; thu hút DN, HTX và hộ dân đầu tư sản xuất NNCNC; tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm. 
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được chứng nhận 77 mã số vùng trồng xuất khẩu. Toàn tỉnh xây dựng khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng rau, mía, cây ăn quả. Tỉnh có 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và có nhiều sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mã QR giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nông sản bằng điện thoại thông minh.

Tỉnh có 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Tỉnh có 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

huyện Quảng Xương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao, có quy mô trên 550 ha tại các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Nhân, Quảng Long, Quảng Yên...

Cánh đồng mẫu ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Ngọc (Quảng xương, Thanh Hóa)
Cánh đồng mẫu ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Ngọc (Quảng xương, Thanh Hóa).


Các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò thịt, dê) và con nuôi đặc sản (vịt Cổ Lũng, vịt bầu cổ xanh, lợn mán, gà đồi...), từng bước hình thành và phát triển trang trại chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở, nhà máy giết mổ, chế biến, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Từ hiệu quả trong sản xuất, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng từ công tác phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.
Ngọc Lâm