Thanh Hóa: Gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản

00:00 12/10/2020

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay mặc dù số doanh nghiệp mới thành lập rất nhanh, song số lượng doanh nghiệp giải thể hoặc phải ngừng hoạt động kinh doanh cũng gia tăng. Những doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản có cả yếu tố chủ quan của doanh nghiệp và khách quan của nền kinh tế.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2017 đến nay, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 499 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.262 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp phá sản đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp đang gặp một loạt khó khăn do Covid -19

Doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng phải giải thể, ngừng hoạt động chủ yếu là do khó khăn về tài chính. Nguyên nhân này chiếm tỷ lệ cao nhất trong các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục giải thể. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, không còn vốn để tiếp tục duy trì, quá trình huy động vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể, phá sản.

Sau yếu tố tài chính hạn hẹp là yếu tố con người. Năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kinh nghiệm điều hành khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống dẫn đến phá sản.

Thị trường tiêu thụ không có cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể. Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp phải dựa vào doanh nghiệp liên kết dẫn đến việc không tự chủ được vốn, không tìm được thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thương mại của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng cho nên các doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng, gặp khó khăn.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp thiếu chiến lược để kinh doanh hiệu quả, như: tổ chức các chương trình khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, ưu đãi khách hàng sử dụng dịch vụ, cũng như chưa biết áp dụng công nghệ tiên tiến, internet, thiết lập website, quan hệ với các đối tác… dẫn đến tụt hậu trên thị trường. Truyền thông quyết định lớn đến việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều đơn vị khởi nghiệp nhỏ vẫn còn e ngại với khoản tiền chi cho quảng cáo, marketing. Tại các công ty thành công hàng đầu trên thế giới, marketing không chỉ là một chức năng trong hoạt động kinh doanh, nó là một triết lý dẫn dắt toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trong việc phát hiện ra, đáp ứng và làm thỏa mãn cho nhu cầu của khách hàng. Họ xem quy tắc vàng trong kinh doanh: ''Bỏ qua yếu tố truyền thông là điều không nên”.

Cũng từ đầu năm đến nay số lượng doanh nghiệp thành lập mới không đạt được chỉ tiêu đề ra, số lượng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động tăng cao còn do ảnh hưởng của dịch covid-19. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 567 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với cùng kỳ (tăng 45 DN); có 44 doanh nghiệp giải thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới còn thấp so với kế hoạch.

Theo ghi nhận hàng năm, khoảng thời gian quý 1 thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Nhưng cũng thời điểm này của năm na,y do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn.

Như vậy, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Ước tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trong tỉnh từ đầu năm đến nay ước đạt 2.933,7 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ.

Vì lý do nào đi nữa thì các doanh nghiệp giải thể cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch số 164/KH-UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021. Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên nhằm nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, ứng dựng công nghệ, xây dựng thương hiệu... giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.

Năm 2021, dự kiến tổ chức khoảng 260 khóa đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với trên 21.400 lượt học viên. Bên cạnh đó, dự kiến có khoảng 1.000 doanh nghiệp được hỗ trợ sử dụng tư vấn thuộc mạng lới tư vấn viên. Đối tượng đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh: Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 12-5-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đối tượng hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV và Điều 2 Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29-3-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên.

Các giải pháp được đề ra trong kế hoạch, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản pháp luật liên quan; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán, thủ tục hải quan; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ sử dụng tư vấn thuộc mạng lưới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Minh Hiền