Thanh Hóa: Một năm nhìn lại

08:39 05/01/2022

Năm 2021 đã khép lại với nhiều biến động và những cung bậc cảm xúc khác nhau đối với cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong bối cảnh thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 trên tất cả các lĩnh vực, Thanh Hóa bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã về đích năm 2021 với những chương trình, những dự án và những con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, trở thành điểm sáng trên biểu đồ tăng trưởng quốc gia.

Biểu tượng phát triển và trường tồn của Thanh Hoá
Biểu tượng phát triển và trường tồn của Thanh Hoá. (Ảnh: minh hoạ)

Vượt bão Covid -19

Có thể nói, đại dịch Covid- 19 như một cơn bão quét qua hành tinh này với những biến chủng siêu lây nhiễm và diễn biến khó lường. Tại VIệt Nam, tính từ đượt dịch bùng phát thứ 4 đã có gần 2 triệu người nhiễm bệnh, trong đó Thanh Hóa cũng có hơn 8 ngìn người. Nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh, dịch vụ, văn hóa - xã hội để khống chế, ngăn chặn, phòng ngừa dịch lây lan. Đã có hàng triệu người mất việc làm, nhiều gia đình mất người thân, nhiều đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi…

Đồng hành cùng cả nước, Thanh Hóa ngoài nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa còn nỗ lực chia sẻ, gói gém nghĩa tình, huy động sức người, sức của, chia sẻ khó khăn với đồng bào ở những vùng tâm dịch như TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam. Đã có hàng nghìn tấn lương thực và nhu yếu phẩm của bà con nhân dân Thanh Hóa tự nguyện quyên với tinh thần tiếp sức cùng đồng bào miền Nam vuợt qua đại dịch. Đã có hàng trăm y bác sỹ, cán bộ, nhân viên Y tế của Thanh Hóa đã lên đường đi vào tâm dịch để cùng đồng hành, hỗ trợ các tỉnh thành đang có dịch bùng phát sâu rộng trong cộng đồng.

Cùng với những hành động thiết thực và ý nghĩa đó, Thanh Hóa đồng thời cũng phải thực hiện công tác phòng chống dịch tại tỉnh nhà. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, cơ quan đơn vị, thôn bản, phường xã là một pháo đài”, lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực hết mình để kiểm soát tốt nhất sự lây lan của dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID -19 trên thế giới và trong cả nước, đặc biệt sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh tại các tỉnh thành phía Nam thì các ca dương tính ở Thanh Hóa cũng tăng nhanh do người dân từ các vùng dịch, các địa phương đang thực hiện giãn cách trở về.

Dù rằng, nguy cơ tiềm ẩn từ việc di chuyển của bà con từ các tỉnh thành phía nam trở về quê hương tiềm ẩn nguy cơ bùng phá dịch cao nhưng khi TP. HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, bà con Thanh Hóa trở về địa phương, lãnh dạo chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức đón đồng bào về đảm bảo an toàn và thực hiện cách ly theo quy định. Và đối với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, việc bùng phát dịch COVID -19 lần thứ tư đúng vào thời điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang tích cực quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp ngay từ những tháng đầu, quý đầu, năm đầu trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đây chính phép thử lớn nhất đối với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và năng lực của ngành Y tế. Đồng thời, cũng là một phép thử khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân của tỉnh Thanh Hóa

Và trên thực tế, năm 2021 khép lại, Thanh Hóa đã có hơn 8000 ca nhiễm Covid- 19 được phát hiện, có hơn 5000 người đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đến nay, Thanh Hóa đã phủ đạt hơn 90% vắc xin đủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi, hơn 30% đủ mũi 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù là địa bàn có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan rất cao, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo sâu sắc sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với phương châm chống dịch như chống giặc, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ các biện pháp để vượt qua khó khăn, thách thức của dịch, bệnh. Vì vậy, đến nay tình hình dịch, bệnh COVID -19 trên địa bàn Thanh Hóa vẫn được kiểm soát khá tốt, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường.

Bên cạnh việc kiểm soát khá tốt dịch, bệnh, với tinh thần tương thân, tương ái, tất cả vì miền Nam ruột thịt, hành động có trách nhiệm đối với đất nước; cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã dành những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình, tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ bằng tiền, hiện vật với số tiền hơn 20 tỷ đồng và gần 3000 tấn hàng hóa để tiếp thêm sức mạnh hỗ trợ Nhân dân các tỉnh, thành phố có dịch vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch, bệnh, sớm ổn định cuộc sống.

Đồng thời, trong thời gian tới, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất ca mắc, ca tử vong do dịch COVID-19, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Thanh Hóa tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch với phương châm "Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài; cách ly, xét nghiệm, vaccine, điều trị là điều kiện tiên quyết; ý thức người dân trong tuân thủ nguyên tắc 5K là đặc biệt quan trọng và ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết", gắn với tiếp tục triển khai tốt phương châm “hai chống, ba xây”nhằm tiếp tục cao cho công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.

Nhìn lại chặng đường của năm 2021 mà lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa đã vượt qua, để có được những thành quả như hiện tại trong công cuộc phòng, chống dịch COVID -19, Thanh Hóa đã phát huy được tối đa sức mạnh toàn dân, trong đó cần nhận thức sâu sắc rằng, để chiến thắng đại dịch COVID- 19, phải lấy dân làm gốc, lấy gia đình làm trung tâm. Sự tham gia của người dân có ý nghĩa quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch.

Vươn tới tầm cao

Trải qua một năm với nhiều biến động, đặc biệt sự bùng phát của đại dịch Covid trên thế giớ và trong nước, Thanh Hóa cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, người Thanh Hóa đã về đích năm 2021 với những chương trình, những dự án và những con số ấn tượng trên nhiều lĩnh vực,  trở thành điểm sáng trên biểu đồ tăng trưởng quốc gia.

Khu kinhh tế Nghi Sơn - một biểu tượng phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá
Khu kinhh tế Nghi Sơn - một biểu tượng phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh: minh hoạ)

Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của tỉnh đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh,quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 32 nghìn 420 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn thể nhân dân đã chung sức, đồng lòng thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả phòng chống dịch COVID - 19, thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, văn hoá, xã hội có sự chuyển biến rõ nét, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được chăm lo, quốc phòng an ninh được đảm bảo.

Mặc dù năm 2021, Thanh Hóa chịu ảnh hương ặng nề dó hạn hán diễn ra, nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 vẫn tiếp tục có bước phát triển và khá toàn diện, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng 3,58%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 16,93% so với cùng kỳ, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Hoạt động thương mại vẫn duy trì ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 vượt 8,5% kế hoạch, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 5.339 triệu USD, tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Vận tải hàng hóa tăng 5,5%, xếp dỡ hàng hóa qua cảng tăng 1,6%; doanh thu vận tải, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán; trong đó, có 11/13 chỉ tiêu thu vượt dự toán, một số khoản thu tăng, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước vượt 5% so với dự toán và tăng 4% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vượt 34% so với dự toán và tăng 28%; thuế bảo vệ môi trường, vượt 15% so với dự toán và tăng 13%.

Trong năm 2021, Thanh Hóa đã thành lập mới được 3.531 doanh nghiệp trong năm 2021, với tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 37.745 tỷ đồng. Hiện, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang duy trì vị trí đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ, đứng thứ tư cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Nhà máy Lọc Hoá Dầu Nghi Sơn rực rỡ về đêm
Nhà máy Lọc Hoá Dầu Nghi Sơn rực rỡ về đêm. (Ảnh: Sang Sơn)

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch COVID-19 và đạt được những kết quả tích cực. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn, như: Đại sứ quán các nước Đan Mạch, Hungary, Nhật Bản, Ấn Độ, Cu Ba, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Foxconn, WHA (Thái Lan), T&T, TNG, SunGroup, VinGroup, FLC, Viettel, SamSung, BRG... nhằm giới thiệu, thu hút đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Năm 2021, Thanh Hóa đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.015 tỷ đồng và 112,7 triệu USD.

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; đồng thời, tạo ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với nhiều giải pháp cụ thể, như: Quy định mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đối với từng loại dự án; phân công các đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, chỉ đạo trực tiếp tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án cụ thể; yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đối với từng dự án, UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư; tổ chức hội nghị giao ban về đầu tư công, theo chuyên đề, lĩnh vực và chung của cả tỉnh; đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quy trình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án có sử dụng đất; đầu tư công và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện trên toàn tỉnh. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 25-11-2021 đạt 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ giải ngân nhanh.

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, trước hết phải kể đến việc tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đi đôi với đó là sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương. Đồng thời, tỉnh ta đã kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý và tập trung, khẩn trương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, chủ động xây dựng các phương án, ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thành Phố Thanh Hoá về đêm
Thành Phố Thanh Hoá về đêm. (Ảnh: Phương Nam)

Năm 2022 được mở ra với Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa bắt đầu có hiệu lực, nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng đang mở ra cho Thanh Hóa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và không gian mới cho phát triển. Tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, tỉnh Thanh Hoá đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,5% trở lên; thu ngân sách đạt 28.143 tỷ đồng trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng

Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức trước nhiệm vụ mới đòi hỏi lãnh đạo và nhân dân Thanh Hóa cùng với chính quyền, các lực lượng vũ trang, các doạnh nghiệp  phải có sự đồng lòng, đồng sức và sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để có thể đạt được mục tiêu của năm 2022, vươn tới tầm cao, xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Ngọc Lâm