Thành công trong quy hoạch và thu hút đầu tư FDI của Khu kinh tế Thái Bình

08:00 08/11/2023

Ông Phan Đình Dực, quyền Trưởng Ban phụ trách Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp (KKT và các KCN) tỉnh Thái Bình, đã chia sẻ với báo chí về thành công trong quy hoạch và thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian qua.

Ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36 về việc thành lập Khu Kinh tế Thái Bình.

Theo đó, Khu Kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583ha. Bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Trong đó, huyện Tiền Hải gồm 16 xã.

Ngày 12/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 02 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Thái Bình.

Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu Kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583ha. Bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. 

Khu Kinh tế Thái Bình xác định trọng tâm là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành công nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực... 

Quy hoạch chính là động lực quan trọng để thu hút đầu tư, ông Dực nhấn mạnh. Việc xây dựng KKT được coi là một bức tranh hoàn chỉnh, và tỉnh Thái Bình đã đặt nền móng vững chắc thông qua quy hoạch chung xây dựng KKT, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch và đang chờ xem xét, phê duyệt từ Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy hoạch, KKT Thái Bình bao gồm 13 KCN, 8 KCN – đô thị - dịch vụ, 3 Khu cảng biển và các khu vực chức năng khác. Công tác quy hoạch phân khu đã được tiến hành để thu hút dự án đầu tư, với những thành công đặc biệt tại KCN Liên Hà Thái, thu hút 15 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ông Dực thừa nhận xuất hiện những bất cập và chồng lấn giữa các quy hoạch, với thực địa và yếu tố mới. Điều này đã dẫn đến quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát tiến độ xây dựng KCN Liên Hà Thái tại H Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát tiến độ xây dựng KCN Liên Hà Thái tại H Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Về việc giải phóng mặt bằng, ông Dực khẳng định rằng công tác này đóng vai trò then chốt trong thu hút đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, KKT Thái Bình đã giải phóng khoảng 900 ha đất KCN, đặc biệt là tại KCN Liên Hà Thái, thu hút 15 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,1 tỷ USD.

Ông Dực cũng chia sẻ về các nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư. Tận dụng tiềm năng và lợi thế phát triển, tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch phát triển KKT và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện những đổi mới trong cách tiếp cận nhà đầu tư, không chỉ đợi họ đến mà còn chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước.

Có thể nói, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân, việc xây dựng và phát triển KKT đã được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt. Đối với các nhà đầu tư trọng điểm, Thái Bình thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án. Đây là điểm nhấn khác biệt trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Thái Bình, nhà đầu tư có ấn tượng và đánh giá cao về nỗ lực của tỉnh Thái Bình.

 Với những tiềm năng, lợi thế của KKT và sự quyết liệt trong công tác thu hút đầu tư của Lãnh đạo tỉnh, việc thu hút đầu tư tại KKT và các KCN tỉnh trong các năm vừa qua đạt được những kết quả tích cực. KKT Thái Bình đang là địa bàn đầu tư hấp dẫn đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước. Tổng vốn đầu tư thu hút vào KKT, KCN từ năm 2021 đến tháng 11/2023 đạt khoảng 53.600 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư FDI đạt 1,63 tỷ USD, cao gấp 1,9 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước. Góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022; 11 tháng đầu năm 2023 thu hút vốn FDI đạt 634 triệu USD. Hiện tại, còn nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án trong KKT như khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, dự án điện khí LNG, điện gió, khu cảng biển, cảng cạn ICD, cảng thủy nội địa.

Thành tựu của Thái Bình rõ ràng khi KKT trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn với tổng vốn đầu tư FDI đạt khoảng 53.600 tỷ đồng từ năm 2021 đến tháng 11/2023. Ông Dực nhấn mạnh rằng sự đồng thuận và hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và người dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.

Ông Phan Đình Dực – quyền Trưởng Ban BQL KKT và các KCN Thái Bình phát biểu.
Ông Phan Đình Dực – quyền Trưởng Ban BQL KKT và các KCN Thái Bình phát biểu.

Cuối cùng, ông Dực đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KKT Thái Bình, từ tuyên truyền đến quy hoạch, cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư và nguồn nhân lực. Ông cũng nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhằm tăng cường động lực thu hút đầu tư trong tương lai.

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 - 17%; tạo việc làm mới cho 30.000 – 40.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh.

Đức Anh