Thang máy Nippon – Thương hiệu Nhật Bản đã thành “hoài niệm” với người tiêu dùng Việt Nam

09:24 23/05/2024

Từng là thương hiệu thang máy nổi tiếng trên thị trường thang máy tại Việt Nam trong những năm trước đây, Nippon đã trở thành “hoài niệm” với người tiêu dùng Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nippon – Thương hiệu Nhật Bản không còn tham gia thị trường Việt Nam

Thang máy Nippon có nguồn gốc tại Nhật Bản và là một trong những thương hiệu thang máy nổi tiếng khắp toàn cầu. Được thành lập vào năm 1954, đến nay, Nippon đã có tuổi đời hơn 70 năm. Năm 1985, chiếc thang máy Nippon đã được ra mắt tại Việt Nam và nhận được rất nhiều sự phản hồi tích cực.

Tuy nhiên, hãng này đã hoàn toàn rút mọi hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam từ tháng 6/2008. Trong thư gửi một số doanh nghiệp kinh doanh thang máy Việt Nam vào ngày 4/12/2009, ông Kunio Chiashi – Giám đốc điều hành Công ty thang máy Nippon MFG tuyên bố đã phát hiện một công ty có tên “MELTEC Nhật Bản” phân phối các danh mục sản phẩm cho thị trường Việt Nam giống với các danh mục sản phẩm của Nippon MFG, tên công ty và địa chỉ “MELTEC Nhật Bản” cũng đang sử dụng nhãn hiệu NE của Nippon MFG mà không được cho phép.

Theo Giám đốc điều hành Công ty thang máy Nippon MFG, “MELTEC Nhật Bản” không được đăng ký  địa chỉ nêu trong danh mục và tên gọi “MELTEC Nhật Bản” rất giống với tên công ty con nổi tiếng trong ngành công nghiệp thang máy.

“Thị trường thang máy Việt Nam xuất hiện thông tin Nippon MFG  đang cung cấp kỹ thuật cho CHI CHENG IND, một Công ty Đài Loan. Tuy nhiên, Nippon MFG khẳng định không có hợp đồng nào với doanh nghiệp của Đài Loan này cũng như bất cứ công ty kỹ thuật nào ở thời điểm hiện tại”, ông Kunio Chiashi nhấn mạnh.

Vị Giám đốc điều hành Công ty thang máy Nippon MFG cũng khẳng định, công ty sẽ không có chế độ bảo hành nào từ hãng Nippon MFG cho bất kỳ sản phẩm nào của CHI CHENG IND. 

Ông cho rằng, người tiêu dùng trên thị trường Việt Nam cần phải lưu ý những thông tin này khi giao dịch mua thang máy gắn thương hiệu Nippon. Đó là bởi Nippon Nhật Bản không còn xuất khẩu sang Việt Nam nữa.

Ảnh minh họa
Ông Kunio Chiashi – Giám đốc điều hành Công ty thang máy Nippon MFG tuyên bố đã phát hiện một công ty có tên “MELTEC Nhật Bản” phân phối các danh mục sản phẩm cho thị trường Việt Nam giống với các danh mục sản phẩm của Nippon MFG, tên công ty và địa chỉ “MELTEC Nhật Bản” cũng đang sử dụng nhãn hiệu NE của Nippon MFG mà không được cho phép.
Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu, tại Nhật Bản, Otis (một tập đoàn thang máy của Mỹ) đang duy trì một nhà máy có tên là Nippon Otis để cung cấp cho thị trường tại Nhật bản. Sản phẩm này có tên là Otis Nippon (Nippon là một tên chung không được bảo hộ), bản thân Otis cũng không sử dụng công nghệ của Nippon mà họ sử dụng công nghệ của mình để sản xuất. Vậy nên, thương hiệu thang máy Nippon đến từ Nhật Bản trên thị trường chỉ còn là “hoài niệm” với người sử dụng Việt Nam.

Dù vậy, nhiều nhà phân phối sản phẩm trên thị trường Việt Nam vẫn đang giới thiệu thang máy Nippon – Thương hiệu đến từ Nhật Bản để thu hút khách hàng sử dụng. Vậy các sản phẩm đang được bán trên thị trường liệu có liên quan gì đến Nippon – Thương hiệu đến từ Nhật Bản hay không?

Một chuyên gia trong lĩnh vực thang máy cho biết, thị trường vẫn còn xuất hiện thương hiệu thang máy Nippon bởi tại Malaysia cũng có một nhà máy sản xuất thang máy lấy tên Nippon nhưng không liên quan đến Nippon thương hiệu Nhật Bản. Mặt khác, Nippon Lift Industry Sdn Bhd INTERNATIONAL SALE & SERVICE có trụ sở tại Malaysia cũng đang có thông báo ngừng sản xuất vào năm 2023 do thiếu linh kiện.

Do đó, các sản phẩm Nippon đang được bán trên thị trường Việt Nam không phải là sản phẩm của công nghệ của thương hiệu thang máy Nippon Nhật Bản. Vì Thương hiệu thang máy Nippon (Nhật Bản) đã khẳng định không có liên hệ gì với các nhà sản xuất khác trên thị trường thang máy thế giới.

Thực trạng thị trường thang máy Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam, nhiều nhà phân phối thang máy đang gắn với các thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật Bản, đơn cử như: Mitsubishi, Fuji, Sanyo, Nippon…  Trên thực tế, nhu cầu sử dụng thang máy tại các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng công cộng và khu đô thị hiện đại ngày càng lớn. Điều này tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho thị trường thang máy Việt Nam.

Theo báo cáo của Research and Markets mới công bố, quy mô thị trường thang máy và thang cuốn ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,1% trong giai đoạn 2021-2027. Cũng theo bộ phận nghiên cứu của đơn vị này, thị trường thang máy Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ CAGR là 8,28% trong giai đoạn 2017-2027.

Thực tế, theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thị trường thang máy. Trong năm 2022, Việt Nam có khoảng 24.600 cây thang máy được lắp đặt. Trong đó, khối lượng thang máy dùng cho nhà thấp tầng (từ 10 tầng trở xuống) là khoảng 14.600 cây (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thang máy).

Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi... cũng đã rót vốn đầu tư vào hoạt động thương mại tại thị trường Việt Nam và đạt được những thành công nổi bật. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào hoạt động thương mại với các dòng thang máy gia đình cao cấp hay các công ty cung cấp dịch vụ thang máy chuyên biệt. Ngoài ra, nhiều công ty đã tham gia vào hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước như Thiên Nam, Hisa, Fuji Alpha...

Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp thang máy Việt Nam đang chạy đua theo việc mua thiết bị, linh kiện từ nước ngoài, sau đó lắp ghép lại. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ tự chủ được về mặt cơ khí, phần điện vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu. Vậy nên, thị trường thang máy trong nước khá “mập mờ”.

Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, đại diện Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho hay, trong năm 2023, Tổng Cục đã kiểm tra 4 vụ việc về thang máy và linh kiện thang máy; xử phạt và thu ngân sách nhà nước 100 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trong lĩnh vực này 82.5 triệu đồng, tịch thu 243 đơn vị sản phẩm và linh kiện thang máy.

Vị đại diện này cho biết, Tổng cục quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức và lực lượng chức năng tại các địa phương, tập trung làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Ngoài ra, Tổng Cục sẽ kiểm tra giám sát chặt chẽ với nhóm các lĩnh vực, mặt hàng, nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, thực hiện niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, đầu cơ găm hàng để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.

Hà Phan