Thăm khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ nơi ghi dấu đồi A1

00:02 29/01/2022

Cách đây gần 70 năm qua, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954. Trong đó có khu di tích lịch sử đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279 (đường Võ Nguyên Giáp) thuộc phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cách Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp khoảng 500 m về phía Tây.

Đồi A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm. Đây là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm trên Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Ảnh minh họa
Quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ.

18h5’ ngày 30-3-1954, ta bắt đầu tiến công đồi A1. Quân địch chống trả rất quyết liệt. Chúng biết rằng nếu để mất A1 thì như con dao của ta đã kề vào cổ tập đoàn cứ điểm của chúng. Vì vậy cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra tại cao điểm này kéo dài nhất và ác liệt nhất trên chiến trường Điện Biên Phủ với 3 đợt tấn công và một đợt phòng ngự kéo dài 39 ngày đêm. Ta và địch đã giành giật nhau từng thước đất. Hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh. Có thể nói máu các anh đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1. Cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 07/5/1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh dấu ngày tận số của quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. 

Ảnh minh họa
Điện Biên Phủ - chứng tích của một thời oanh liệt.

Ngày nay, trên cứ điểm A1 nói riêng và quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ nói chung, dẫu không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích của một thời bom đạn như hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên, lô cốt cây đa cụt, đường hào, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… vẫn còn đây, sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước.

Ngày nay đến với cứ điểm A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh như: đường hầm, chiếc xe tăng, hố bộc phá… chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do ngày hôm nay. Một địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.

Nghĩa trang liệt sỹ A1 ngày nay như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ. Nghĩa trang A1 là một địa điểm không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào.

Vũ Tiến