Thái Lan công bố chiến lược mới thu hút FDI

23:04 15/02/2023

Thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan. Chính phủ Thái Lan đã xây dựng một chính sách ưu đãi để cho dòng vốn này phát huy được lợi thế.

Ảnh minh hoạ.

Tại Bangkok, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) ngày 14/2 đã công bố các chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong 3-5 năm tới.

Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký BoI cho biết, các chiến lược mới này phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội dài hạn của đất nước, đồng thời nhằm hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh để các công ty trong nước và quốc tế có thể xây dựng nền tảng cho sự phát triển ở Thái Lan. 

Chiến lược thúc đẩy đầu tư Thái Lan giai đoạn 2023-2027 tập trung vào các nỗ lực thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp sáng tạo, kỹ thuật cao và xanh.

Theo chiến lược này, việc tái cơ cấu kinh tế Thái Lan sang kỷ nguyên kinh tế mới sẽ được thực hiện theo bảy trụ cột cốt lõi, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cấp các ngành công nghiệp hiện có, song song với việc xây dựng các ngành công nghiệp mới mà Thái Lan có tiềm năng cao, và tăng cường tổng thể chuỗi cung ứng.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp sang các ngành công nghiệp xanh và thông minh thông qua đầu tư vào tự động hóa, áp dụng kỹ thuật số và trung hoà carbon.

Thứ ba, thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm thương mại, cửa ngõ thương mại và đầu tư quốc tế cho khu vực.

Thứ tư, củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp, đảm bảo họ được kết nối với thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, thúc đẩy đầu tư vào các vùng khác nhau của Thái Lan phù hợp với tiềm năng của từng vùng và tạo điều kiện cho tăng trưởng toàn diện.

Thứ sáu, khuyến khích đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Và thứ bảy, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty Thái Lan.

Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký BOI, cho biết, BOI sẽ thúc đẩy bảy trụ cột này thông qua sự kết hợp các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ dịch vụ và các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Các ngành được hưởng lợi từ những trụ cột này bao gồm các nhà sản xuất xe điện, ngành công nghiệp sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) và hệ thống sản xuất tự động, cùng những ngành khác.

Hơn nữa, Thái Lan sẽ tăng cường tập trung vào phát triển khả năng đổi mới và Nghiên cứu và Phát triển (R&D), cũng như xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức mạnh mẽ hơn.

Thủ đô Bangkok sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và các công ty toàn cầu thành lập các trung tâm khu vực, nhờ lợi thế có hệ thống tàu điện kết nối tất cả các khu vực của thành phố và vùng lân cận, bao gồm cả sân bay và bến cảng.

Theo ông, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng xem xét các yếu tố như: cơ sở hạ tầng và hậu cần hiện có, nguồn nhân lực có trình độ, các quy định thuận lợi cho khu vực kinh doanh, cơ sở công nghiệp hỗ trợ, chi phí hợp lý và lợi ích của chính phủ.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ nên đưa ra các biện pháp như đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, nâng cao trình độ của ngành công nghiệp Thái Lan lên một nền tảng thông minh và bền vững, củng cố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và công ty khởi nghiệp. Tổng thư ký BoI cũng khuyến khích các công ty lớn đóng vai trò lớn hơn trong 3 lĩnh vực là phát triển con người, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển cộng đồng./.

TH