Thách thức lớn về tài chính để thực hiện xanh theo COP26

23:45 17/08/2022

Ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2025, Việt Nam cần thêm 100 tỷ USD để đối phó với biến đổi khí hậu, 373 tỷ USD để đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26). Đây là số tiền khá lớn mà nếu chỉ từ nguồn lực trong nước thì khó thực hiện được.

Ảnh minh họa

“368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm. Trong đó, riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản, cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử CO2 chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng, gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD giai đoạn 2022-2040”, bà Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 373 tỷ USD để thực hiện cam kết đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050 là không kèm theo điều kiện sử dụng các biện pháp chính sách và nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, vốn vay thương mại và sự đóng góp đầu tư của người dân…

Đại diện Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, để khơi thông nguồn lực quốc tếnhững đối tác như IFC rất kỳ vọng các tổ chức tín dụng của Việt Nam tài trợ cho các dự án xanh, nhưng hiện các ngân hàng không mấy mặn mà do chưa biết cách vận hành cơ chế tài chính xanh, đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục dự án xanh. “Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn cho các tổ chức tín dụng để triển khai. Ngoài ra, IFC có thể bảo lãnh một phần cho tín dụng của ngân hàng, có thể chịu 50% rủi ro mất vốn hoặc lợi nhuận. Đó là cách giảm bớt nguồn vốn và rủi ro mà hệ thống ngân hàng Việt Nam phải gánh chịu”, đại diện IFC cho biết, đơn vị này có khả năng hỗ trợ toàn bộ thị trường, điều quan trọng là cần có những cơ chế, sản phẩm đặc thù để phối hợp tài trợ cho các dự án xanh.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) ông Rahul Kitchlu đánh giá, cùng với các quốc gia khác, những cam kết của Việt Nam tại COP 26 đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo với hơn 20 GW năng lượng tái tạo và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân 2 năm qua. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng ông Rahul Kitchlu cho rằng, Việt Nam có lợi thế trong chuyển dịch tăng trưởng xanh và cộng đồng quốc tế cũng như WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng. Sự hỗ trợ bao gồm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cũng như hỗ trợ huy động nguồn vốn chi phí thấp dành cho biến đổi khí hậu, nhằm giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng xanh hiệu quả và bền vững.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam không chỉ triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, mà cần sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho rằng, Việt Nam sẽ khó thành công khi chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững mà không có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính/kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển.

Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

 “Để thúc đẩy năng lượng phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển nguồn năng lượng theo hướng bền vững, đảm bảo cung cấp nguồn cung ổn định với giá thành hợp lý luôn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, ông Đặng Hoàng An chia sẻ.

An Anh