Tập trung hình thành các hành lang kinh tế

09:51 15/09/2022

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Ảnh minh họa
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, công trình có ý nghĩa kết nối ba trung tâm kinh tế lớn của miền bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực phát triển có hạn, để thực hiện mục tiêu này cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật để lãnh thổ đó phát triển trước một bước.

Việc này sẽ tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển, cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Ngày 14/9, hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua.

Theo quy hoạch, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là quy mô dân số khoảng 105 triệu người; năm 2050 khoảng 115 triệu người; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7% một năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7% một năm giai đoạn 2031-2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/ người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/ người. Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt từ 70-80%. Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt cao tốc.

Theo ông Dũng, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, chính phủ nên lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất (vùng lõi) để hình thành các vùng động lực quốc gia, gồm: tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Hạ Long, Vân Đồn), tứ giác TPHCM – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu…

Các vùng ven biển Thừa Thiên – Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi và tam giác Cần Thơ – An Giang (Long Xuyên)- Kiên Giang (Rạch Giá, Phú Quốc) với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc-Nam và hướng Đông-Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Thêm vào đó là ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc – Nam phía Đông, 2 hành lang kinh tế Đông-Tây: Hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Mộc Bài- TPHCM – Vũng Tàu; từng bước hình thành và phát triển các hành lang Đông – Tây khác.

T.H