Tập trung các giải pháp thay đổi thực trạng quảng cáo trên không gian mạng

09:57 27/03/2024

Đây cũng là nội dung chính tại hội nghị về quảng cáo trên mạng chiều 26/3 ở Hà Nội. Theo đó, các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo đã thống nhất triển khai mở rộng “White List” để thay đổi thực trạng quảng cáo thời gian tới.

Ông Lê Quang Tự Do
Toàn cảnh Hội nghị do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chủ trì.

Tại hội nghị về quảng cáo trên mạng chiều 26/3 ở Hà Nội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố một số kết quả đạt được sau thời gian triển khai việc quảng cáo với Black List và White List.

Black List là danh sách kênh mạng xã hội, website có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật và các nhãn hàng bị yêu cầu cấm quảng cáo trên đó, trong khi White List là danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, nội dung sạch, được khuyến nghị quảng cáo. Đây là giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cuối năm 2022 và triển khai trong 2023.

Đánh giá một năm thực hiện Nghị định 70 về quản lý quảng cáo trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát và công bố Black List (danh sách đen) gồm 47 trang và tài khoản Facebook có dấu hiệu vi phạm pháp luật, 102 kênh YouTube có dấu hiệu vi phạm pháp luật, 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Blacklist, chủ động xây dựng và Blacklist do Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo. Các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng cũng đã đồng hành ủng hộ Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc không hợp tác quảng cáo với những KOL, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, các đơn vị làm quảng cáo cũng đã hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho thương hiệu, cho các nhà quảng cáo; phải tăng cường các bộ lọc, biện pháp kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm khi quảng cáo trên nền tảng.

Nhờ vậy, trong năm 2023, YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022. Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã xử phạt 10 doanh nghiệp và nhắc nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi sai phạm. Cũng trong năm 2023, Whitelist khuyến nghị cho hoạt động quảng cáo đã được xây dựng và công bố, đến nay đã có khoảng 4.000 trang, kênh của cả báo chí, mạng xã hội và các trang tin điện tử tổng hợp.

"Tuy nhận thức nâng lên và có biện pháp chặt chẽ hơn nhưng nhiều đại lý quảng cáo vẫn liên tục vi phạm, cá biệt có doanh nghiệp lớn vi phạm 2-3 lần, để quảng cáo bị cài đặt vào nội dung vi phạm pháp luật, không có giải pháp triệt để chấm dứt vi phạm" - ông Do nêu rõ.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, điều này là do những người quảng cáo chủ quan, chạy theo hiệu quả và lợi nhuận, chưa ứng dụng triệt để giải pháp BlackList và White List mà Bộ khuyến nghị. Nhiều nền tảng xuyên biên giới chưa phối hợp, sau khi kênh xấu độc bị khóa, chủ kênh "mở kênh mới dễ dàng trong năm phút".

Để cải tiến, Cục đưa ra giải pháp White List mở rộng, nhằm cung cấp danh sách các kênh sạch đủ lớn để nhãn hàng và đại lý quảng cáo.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại hội nghị, một số nhà quảng cáo, nhãn hàng lớn tại Việt Nam cho biết ủng hộ giải pháp của Bộ. Tuy nhiên, họ cũng nêu ra một số thách thức, như White List còn hẹp, không đảm bảo chỉ tiêu về quảng cáo cho nhãn hàng.

Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng đồng ý với ý kiến này và cho biết, ngoài danh sách cơ quan báo chí được cấp phép, nhóm kênh mạng xã hội White List mới ở mức 2.000. Trong khi đó, các đại lý quảng cáo nói họ cần ít nhất 15-20 nghìn kênh cho các chiến dịch.

Để cải tiến, Cục đưa ra giải pháp White List mở rộng, nhằm cung cấp danh sách các kênh sạch đủ lớn để nhãn hàng và đại lý quảng cáo.

Để xây dựng White List mở rộng, ông Do cho biết, sẽ tiến hành ba biện pháp gồm: mời các mạng đa kênh (MCN) tại Việt Nam gửi danh sách kênh mình quản lý lên để bổ sung; nhãn hàng cũng có thể đề xuất danh sách đối tác quảng cáo; và Bộ cũng mở một cổng đăng ký để người làm nội dung chủ động đăng ký vào danh sách.

"Chúng tôi ước tính sẽ có vài chục nghìn kênh mạng xã hội được đưa thêm vào danh sách. Khi chúng tôi đổi mới rồi mà các nhà quảng cáo vi phạm, sẽ có biện pháp mạnh", ông Do nói.

Theo đề xuất của Cục, với những trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Công an để xử lý.

Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh mục tiêu chung, đảm bảo nội dung trên mạng là lành mạnh, thay đổi để hoạt động quảng cáo trực tuyến tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị làm quảng cáo là những “người trong cuộc” đóng góp các ý tưởng, đề xuất những phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm với ngành quảng cáo và xã hội.

Gợi mở phương án các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay để xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho ngành quảng cáo trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, nên mở rộng không chỉ Whitelist mà cả Blacklist. Bên cạnh đó, các Sở Thông tin và Truyền thông thời gian tới cần cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo để mở rộng Blacklist và Whitelist. Trong đó, Blacklist cần mở rộng theo hướng bao gồm cả những nội dung chia sẻ trên mạng dù không thuộc phạm vi cấm nhưng không phù hợp với giá trị, đạo đức, không đúng chuẩn mực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu: Ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử coi việc mở rộng Whitelist là nhiệm vụ quan trọng, song cũng phải thông tin rõ Whitelist là danh sách khuyến cáo, là danh sách mà các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với các đơn vị, hiệp hội đưa ra tại một thời điểm nhất định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng kêu gọi các các công ty trong nước đang làm quảng cáo cho nước ngoài sử dụng công nghệ để xác thực kênh Whitelist nhanh, phải nhận biết kênh Whitelist bằng công nghệ để đẩy quảng cáo vào nhanh và giá tốt nhất.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Công ty quảng cáo Dentsu cho biết, công ty đã sử dụng White List từ năm 2021 và danh sách của công ty tự xây dựng còn dài hơn của Bộ TT&TT. Nhấn mạnh việc thực hiện quảng cáo trên White List là ưu tiên hàng đầu và đồng tình với danh sách mà bộ đưa ra.

Nhưng đại diện Dentsu cũng nêu thực trạng: Có khi chỉ sau một đêm, một số trường hợp từ White List có thể sang Black List, thay đổi rất nhanh nên bộ cần có kiểm soát danh sách này.

Phản hồi kiến nghị, ông Do khẳng định "sẽ không làm White List "đóng" mà làm White List "động". White List sẽ được kiểm soát, cập nhật thường xuyên, có cơ chế đánh giá, kiểm soát".

Đại diện các công ty quảng cáo lớn như WPP, Omicom, VCCorp, Public Media… đều bày tỏ quan điểm ủng hộ định hướng này vì cho rằng, việc mở rộng White List sẽ tạo ra thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động, giúp môi trường số ngày càng sạch hơn.

Minh Anh (T/h)