Tăng xử phạt hành chính đối với các vi phạm trên không gian mạng

22:19 06/03/2024

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt hiện nay ở khung 5-10 triệu đồng/vi phạm và các cơ quan quản lý thường chọn mức phạt 7,5 triệu đồng khi xử phạt hành chính.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ thông tin tại buổi họp báo.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Công an nhân dân.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ TT&TT tổ chức ngày 6/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ TT&TT cho biết, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay với các phát ngôn, đưa thông tin lệch chuẩn, sai sự thật trên mạng xã hội chưa đủ răn đe.

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt hiện nay ở khung 5-10 triệu đồng/vi phạm và các cơ quan quản lý thường chọn mức phạt 7,5 triệu đồng khi xử phạt hành chính. Mức tiền phạt hành chính này đối với người dân bình thường có tác động lớn, nhưng với một số người, như người nổi tiếng, nghệ sỹ, KOLs, người kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội thì mức phạt này lại nhỏ hơn nhiều và chưa đủ mức răn đe.

Để khắc phục tình, ông Tự Do cho biết, Bộ đã trình Chính phủ nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung một số quy định liên quan đến phát ngôn trên không gian mạng.

"Khi nghị định được ban hành, dự kiến giữa năm 2024, Bộ sẽ tham mưu về mức xử phạt, sẽ tăng mức phạt tiền để tăng mức răn đe", ông Tự Do nói.

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, Cục trưởng cũng đánh giá khó có mức chung cho những nhóm người này. Ông dẫn ví dụ có những nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, nên họ có thể chấp nhận mức phạt hàng trăm triệu đồng. Hoặc với những doanh nhân, người kinh doanh trên Internet, mức phạt dù cao cũng khó thay đổi hành vi của họ.

Một biện pháp khác được Bộ dự kiến triển khai là phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng biện pháp hạn chế lên sóng. Việc này được đánh giá sẽ có sức răn đe cao với nhóm nghệ sĩ, vốn cần lan tỏa hình ảnh và tiếp cận đông đảo khán giả.

“Đây là nội dung mới, đang chờ chỉ thị của Đảng, trong thời gian sớm nhất hai bộ sẽ khởi động lại để ban hành quy chế. Ngoài xử phạt hành chính, khi bị hạn chế sóng cũng là cách để góp phần răn đe đối với các nghệ sĩ có phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực”, ông Tự Do cho biết.

Ông Tự Do khẳng định: Đối với Bộ TT&TT, xử phạt không có vùng cấm, không có ngoại lệ. 

“Tuy nhiên, có một số trường hợp không xác định được danh tính bởi không gian mạng danh tính ảo rất nhiều. Một số trường hợp là người cư trú ở nước ngoài… Vì vậy, việc xác định đối tượng vi phạm để xử lý còn gặp khó khăn”, ông Tự Do lý giải.

“Trong Nghị định 72 tới đây, sẽ có quy định xác định người dùng bằng điện thoại trên mạng xã hội. Biện pháp này sẽ giúp xác minh danh tính trên mạng xã hội nhanh và chính xác hơn”, ông nói.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong các tháng đầu năm 2024, Bộ TT&TT đã cập nhật hơn 3.000 kênh nội dung được khuyến nghị chọn quảng cáo. Đây là lần thứ 3 danh sách này được Bộ TT&TT công bố công khai. Việc xây dựng và công bố White List và Black List là một trong những giải pháp được Bộ triển khai từ giữa năm 2022 nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.

Công tác xử lý vi phạm, Bộ TT&TT đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Quyết định số 14/QĐ-XPVPHC ngày 01/02/2024, xử phạt Công ty Cổ phần Omnicom Media Việt Nam số tiền 15.000.000 đồng do đặt sản phẩm quảng cáo trên Kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Quyết định số 07/QĐ-VPHC ngày 1/2/2024, xử phạt Công ty TNHH một thành viên Thương mại TI KI số tiền 22.500.000 đồng do không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản khi thay đổi địa điểm trụ sở chính; không làm thủ tục đăng ký lại hoạt động phát hành xuất bản phẩm khi thành lập chi nhánh và không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

Cũng trong tháng 2/2024, Bộ TT&TT đã xử lý 7 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 2 vụ, cảnh cáo 5 vụ. Qua công tác kiểm soát tần số, đã kịp thời phát hiện 1 đối tượng đi xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP.HCM và đã phối hợp với Công an TP.HCM bắt giữ.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2024 là Bộ TT&TT sẽ trình ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để đăng ký Luật Công nghiệp công nghệ số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; triển khai đánh giá các cổng dịch vụ công, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công.

  • Minh Phương (t/h)