Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là điểm sáng trong kinh tế toàn cầu

15:52 29/12/2023

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: Mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp.

Điểm sáng trong kinh tế toàn cầu

Sáng 29/12 của Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu quý IV và cả năm 2023. Cụ thể, GDP quý IV ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022. Như vậy, GDP năm nay tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: Mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2023
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2023.

Với đà tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối 2023. GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 8.380 USD một lao động, tăng 274 USD.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Đáng chú ý, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm ngoái nhưng là kết quả của nhiều nỗ lực mở rộng thị trường mới, xúc tiến thương mại trong bối cảnh cầu thế giới giảm sâu, đạt 693 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.

Nhiều yếu tố đẩy CPI 2023 tăng 3,25%

Theo Tổng cục thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung, tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%). 

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2023
Toàn cảnh Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý IV và năm 2023.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước, đóng góp 0,86 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 3,02%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% - mức thấp nhất 13 năm.

"Các chỉ tiêu thống kê cho thấy, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định. Cùng với đó đề xuất: Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Linh