Tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng như thế nào?

19:45 04/05/2023

Chiều 4-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để trao đổi thêm thông tin về việc điều chỉnh giá điện vừa được đưa ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh tăng giá điện cũng không tác động lớn đến khách hàng sử dụng điện.

Cụ thể, với các hộ tiêu thụ, theo tính toán từ EVN, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng;  100 kWh/tháng;  200 kWh/tháng; 300 kWh/tháng; 400 kWh/tháng lần lượt là 2.500 đồng/hộ; 5.100 đồng/hộ; 11.100 đồng/hộ; 18.700 đồng/hộ; 27.200 đồng/hộ.

Ngoài ra, hiện nay, trong cơ cấu các khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.

Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.

Về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Nhận định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ở mức 3%, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng, mức tăng 3% là thấp. Dẫu vậy, việc điều chỉnh này cũng có những tác động nhất định đến CPI.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Đối với 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay, với mức bình quân dùng 200 kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/tháng.

Để hạn chế việc “té nước theo mưa”, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, gây tác hại đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá.

“Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá, ổn định giá, kê khai chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh khi giá điện tăng 3% để tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì giá thành sản phẩm cũng tăng lên bấy nhiêu”, ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị.

Huyền Trâm