Tác động của “tín dụng đen” đối với cá nhân và doanh nghiệp

09:58 14/08/2023

Hoạt động kinh tế gặp khó khăn, công việc của các cá nhân, doanh nghiệp bị cắt giảm cũng là lúc hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi ngày càng lộng hành. Từ đô thị tới nông thôn chỗ nào cũng thấy.

Thiên la địa võng trong ma trận tín dụng đen

Kinh tế khó khăn, công ăn việc làm bị cắt giảm, các đơn hàng thì ít đi, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… nhưng nhu cầu về vốn của cá nhân, doanh nghiệp lại tăng lên. Đó có lẽ cũng là điều hết sức bình thường vì càng khó khăn về kinh tế thì nhu cầu về vốn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp là rất cấp thiết, cũng như thế đối với cá nhân là nhu cầu về tiền để giải quyết cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Dựa vào nhu cầu ngày càng lớn của người dân, doanh nghiệp khi không có đủ điều kiện để có thể vay tiền tại các tổ chức tín dụng mà tìm đến các kênh tiếp cận khác trong đó có tín dụng đen. Các dịch vụ tín dụng đen nở rộ khắp các tỉnh thành trong cả nước. “Tín dụng đen” là việc vay mượn, chuyển giao tiền mặt (vốn), vật tư theo thỏa thuận một cách “lén lút”, không công khai, che dấu hành vi và có tính chất phi pháp, trái quy định pháp luật. Hay nói cách khác, “tín dụng đen” là đòi nợ (chui), cho vay không đúng qưy định pháp luật; sử dụng bang, nhóm “xã hội đen” - là nhóm tội phạm có tổ chức - để thu lời bất chính số tiền mà trong giao dịch Luật Dân sự không quy định.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (Nguồn ảnh Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh Internet).

Các hoạt động tín dụng đen trên địa bàn Thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trong cả nước chủ yếu biểu hiện qua một số cơ sở do cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tín dụng đen núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính có đăng ký kinh doanh hoặc không đăng ký kinh doanh, tổ chức rải tờ rơi, dán quảng cáo tại các điểm công cộng, đăng thông tin trên các trang mạng xã hội, xây dựng App vay tiền trên điện thoại thông minh, thiết bị điện tử... thu hút người dân vay tiền; huy động góp tiền chơi “họ”, “hụi”, “phường” của người dân tại nhiều địa bàn.

Thậm chí, hoạt động tín dụng đen được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp, phương pháp thủ đoạn hoạt động chặt chẽ, tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng nếu bị phát hiện. Có những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen trên nhiều tỉnh thành phố, hoạt động cho vay, đòi nợ có tổ chức, phân chia địa bàn, công việc rất rõ ràng, thủ đoạn che dấu rất tinh vi. Tháng 02/2023, Cục Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Tiền Giang đã phối hợp điều tra, khởi tố, xử lý đối với hành vi đòi nợ thuê “núp bóng” Công ty Luật TNHH Pháp Việt (khởi tố hơn sáu mươi bị can). Điều này chứng minh sự chuyển hoá của đối tượng phạm tội từ đối tượng có kiến thức pháp luật hạn chế sang những đối tượng am hiểu về kiến thức pháp pháp luật nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.

Trong quá trình hoạt động tín dụng đen diễn ra, đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người cho vay và người đi vay, giữa các ổ nhóm cho vay trên cùng một địa bàn, kéo theo đó là tranh giành địa bàn, đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, huỷ hoại tài sản, vu khống, làm nhục người khác... thậm chí nhiều vụ giết người đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ hoạt động tín dụng đen, vỡ “hụi, họ” ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Gần đây, diễn biến hoạt động tín dụng đen có nhiều thay đổi xuất hiện trên tất cả các địa bàn từ quận đến huyện, từ thành thị đến nông thôn, đa dạng về người đi vay, người cho vay và người tham gia vào hoạt động này. Nếu như những năm trước, hoạt động tín dụng đen dẫn đến các vụ trọng án, án nghiêm trọng thường xảy ra ở các khu vực nội thành, đô thị thì trong thời gian vừa qua có xu hướng chuyển dịch về khu vực ngoại thành, nông thôn. Nhiều vụ các đối tượng đòi nợ hoặc mâu thuẫn tranh giành địa bàn hoạt động tín dụng đen dẫn đến các vụ trọng án diễn biến phức tạp, khó lường.

Xuất hiện tình trạng các đối tượng tín dụng đen sinh sống tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh… móc nối, liên kết với một số đối tượng lưu manh các tỉnh thành. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát các đối tượng tập trung mang theo hung khí để gây thanh thế và sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực khi không đàm phán được. Điều đó đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., gây bức xúc trong nhân dân, tâm lý bất an trong xã hội.

Ảnh minh họaCác tờ rơi quảng cáo vay tiền (Nguồn ảnh Internet)
Các tờ rơi quảng cáo vay tiền (Nguồn ảnh Internet).

Cơ sở hoạt động tín dụng đen hoạt động công khai dựa trên các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nhà nước cho phép hoạt động như các cửa hàng cầm đồ, kinh doanh, tư vấn tài chính, cho thuê xe tự lái... Ở các địa điểm này có đội ngũ nhân viên chuyên trách, không chuyên trách, phân công vai trò rõ ràng từ đội ngũ kế toán, tìm người vay, xác minh người vay, đòi nợ, thu nợ hàng ngày... Các dạng cho vay tín dụng đen cụ thể như bốc họ, rải họ; cho vay có thế chấp (quan hệ dân sự); cho vay ngang hàng, cho vay đáo hạn, cho vay qua app. Khi công nghệ thông tin phát triển, người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch điện tử nhiều các nhóm tội phạm chuyển sang cho vay qua app để tránh bị pháp luật xử lý.

Mới đây nhất còn xuất hiện tình trạng người vay tiền muốn vay được phải thế chấp bằng hình ảnh và video clip khỏa thân, nhạy cảm… Các hình thức cho vay này đều vượt quá trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt là hình thức “lãi mẹ đẻ lãi con”: Cộng lãi vào gốc, cụ thể là khi người vay không trả được lãi thì chủ nợ sẽ cộng lãi vào gốc rồi tính lãi tiếp trên tổng số tiền đó. Nếu người vay không có khả năng trả nợ sẽ bị băng nhóm “xã hội đen” săn lùng, đe dọa xử lý bằng mọi hình thức. Từ đó, gây nên những hệ lụy rất lớn cho xã hội, tạo điều kiện hình thành nên những nhóm tội phạm có tổ chức. Lãi suất cho vay trong tín dụng đen thường là 2.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày nhưng các đối tượng biết con nợ đa số cần tiền cấp bách nên thường lấy lãi là 5.000 đồng/1triệu đồng/1 ngày (182,5%/01 năm), nhiều trường hợp là 7.000 đồng, đến 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (250 đến hơn 300%/năm) tất cả các khoản lãi suất không được ghi trên giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng. Số tiền lãi được cắt trực tiếp vào số tiền gốc khi các đối tượng tín dụng đen giao tiền cho người vay. Các đối tượng che giấu hoạt động tín dụng đen bằng việc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để xin việc hoặc lập hợp đồng thuê ô tô, xe máy…

Người dân và doanh nghiệp cần làm gì?

Người dân, doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác, không tham gia, vay vốn… ở cơ sở, địa điểm cung cấp tín dụng đen. Cẩn thận khi tiếp cận những thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng trên các mạng di động (qua các tin nhắn, cuộc gọi), mạng xã hội quảng cáo, lôi kéo các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn tín dụng đen. Không thực hiện ký các giấy tờ để tín dụng đen hợp thức hoá việc cho vay lãi cao đưới các hình thức như cho thuê xe tự lái, hợp đồng chuyển nhượng tài sản…

Khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi tham gia các hoạt động cho vay tín dụng trực tuyến, “tín dụng đen”, như: Hạn chế tối đa việc giao dịch, vay tiền từ cá nhân, cơ sở cho vay tín dụng trực tuyến. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân có thể liên hệ với ngân hàng, các tổ chức tài chính, công ty được Nhà nước cấp phép hoạt động; không liên lạc, cung cấp thông tin cá nhân, giao dịch vay tiền với các Fanpage, Facebook, Website quảng cáo dịch vụ cho vay tín dụng trực tuyến không có thông tin về đăng ký kinh doanh, địa chỉ rõ ràng; khi thực hiện việc vay tiền từ các cơ sở, cá nhân cho vay tín dụng trực tuyến nêu trên; người dân cần đề cao cảnh giác, chú ý về lãi suất, thời hạn vay, các khoản chi phí phát sinh để tránh trở thành nạn nhân của hoạt động cho vay nặng lãi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (Nguồn ảnh Internet).
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh Internet).

Để giúp người dân, doanh nghiệp không phải vay tín dụng đen, trong thời gian qua Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ để các tổ chức cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng. Các khoản vốn vay ưu đãi được ngân hàng, tổ chức tín dụng đưa ra với lãi suất thấp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo điều tiết hợp lý về lãi suất, tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân.

Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án đã tăng cường điều tra, xử lý, khởi tố, truy tố, xét xử các đối tượng, tổ chức liên quan đến các hành vi vi phạm phap luật trong hoạt động tín dụng đen cả về hành chính cũng như hình sự.

Tín dụng đen có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng trong xã hội khi cần vay vốn cho nên mọi người cần hết sức cảnh giác trước khi quyết định những giao dịch này. Cá nhân, doanh nghiệp khi có nhu cầu về tín dụng nên là người vay vốn thông thái, có kiến thức pháp luật để tránh được những ma trận của tín dụng đen.

Nguyễn Thị Vân Hạnh