Sản phẩm phần cứng, điện tử chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước

18:53 09/10/2023

Theo báo cáo của của Bộ TT&TT, giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 9/10, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban công tác quản lý nhà nước với các đối tượng quản lý quý III/2023. Theo báo cáo của của Bộ TT&TT, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (gần 95,8 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu hai nhóm hàng hóa "Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "Điện thoại và linh kiện các loại" tiếp tục đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước, dù vậy sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 41,3 tỷ USD, giảm 4,2% và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt trên 39,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Báo cáo của Bộ TT&TT chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ CNTT nói riêng là kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu dùng CNTT giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine và tác động của hậu đại dịch Covid-19.

Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), tính đến tháng 9/2023 ước đạt 73.500 doanh nghiệp, tăng 700 doanh nghiệp so với tháng 8/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, ước đạt 0,739.

Trong công tác chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về công nghiệp ICT Make in Viet Nam.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và hoàn thiện hồ sơ tham gia Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2023”; triển khai xây dựng sách trắng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2023.

Đồng thời, xây dựng Cơ sở dữ liệu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; xây dựng Bản đồ công nghệ số; xây dựng Hệ thống đánh giá rủi ro sản phẩm, dịch vụ công nghệ số ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (theo Quyết định số 1607/QĐ-BTTTT ngày 22/8/2023).

Ngoài ra, thống nhất hệ thống chỉ tiêu giữa Báo cáo ICT Index với Báo cáo Xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc thu thập, cung cấp số liệu cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong quý IV/2023, một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT bao gồm: Lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ trong tháng 11/2023; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035; Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Minh Phương (T/h)

Tags: