Bộ TT&TT sẽ triển khai kế hoạch thương mại hóa 5G vào cuối năm nay

10:17 31/08/2023

Bộ sẽ ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT và kế hoạch thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm nay.

Theo kế hoạch Bộ TT&TT đưa ra, dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G tới khách hàng.

Nếu triển khai được việc thương mại hóa dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ IMT-2020 (5G) thì đây là nền tảng để phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện các giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai thương mại công nghệ mới.

Do đó, Bộ sẽ ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.

Tính đến đầu năm 2023, đã có 247 nhà mạng tại 97 quốc gia đã cung cấp dịch vụ công nghệ 5G. Hiện cũng đã có khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư các bước cuối cùng để sớm cung cấp 5G đến người dùng. Đến nay, số thuê bao 5G đã phát triển khá nhanh so với các mạng 3G, 4G trước đó. Trên toàn thế giới số thuê bao đã đạt hơn 1 tỷ thuê bao và dự báo sẽ đạt 3 tỷ thuê bao trong 3 năm tới.

Theo đó 50% chi phí triển khai công nghệ 5G phần nhiều thuộc về các nhà phát triển ứng dụng nên theo Luật Viễn thông, Bộ TT&TT đã tiến hành đấu giá băng tần để minh bạch hóa việc cấp phép. Nhưng cách tính giá băng tần cho lần đấu giá đầu tiên đã không hấp dẫn các doanh nghiệp. Trên thế giới hiện cũng có nhiều cách tính giá băng tần khác nhau nhưng Việt Nam phải tham khảo các quốc gia có điều kiện tương tự về kinh tế xã hội để áp dụng.

Tại quyết định Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT giao các nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp viễn thông di động.

Trong đó, trong tháng 9-2023, Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế trình lãnh đạo Bộ ban hành quy hoạch băng tần triển khai 5G; tháng 11-2023, tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G.

Cục Viễn thông chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình lãnh đạo Bộ cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá băng tần triển khai 5G cho doanh nghiệp trong tháng 11-2023. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp trúng đấu giá nộp đủ các khoản tài chính theo quy định, Cục Viễn thông trình lãnh đạo Bộ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp trúng đấu giá băng tần triển khai 5G.

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp trúng đấu giá nộp đủ các khoản tài chính theo quy định, Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng băng tần cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong quý IV-2023, Cục Viễn thông chủ trì phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện và các doanh nghiệp viễn thông di động nghiên cứu, xây dựng phương án chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp để bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư. Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và sản xuất thiết bị 5G thương mại hóa.

Ngoài việc thương mại hóa dịch vụ 5G, mới đây, Bộ TT-TT vừa thành lập nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm với 14 thành viên do ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT -TT, làm trưởng nhóm.

Bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển thiết bị; đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; nghiên cứu, rà soát và đề xuất các quy định về quản lý thiết bị 6G, nhóm sẽ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế điển hình về định hướng chiến lược phát triển thiết bị 6G cho Việt Nam.

6G là chuẩn kết nối tiếp bước thế hệ mạng 5G, được giới chuyên môn dự đoán khi ra mắt sẽ tạo sự bùng nổ và mang lại một loại hình internet hoàn toàn mới, giúp con người chạm tay gần hơn vào thế giới ảo. Hiện nhiều nước đã sẵn sàng nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan… Nhiều hãng công nghệ đang tăng tốc phát triển công nghệ nhằm chiếm thế tiên phong trong việc xác định các tiêu chuẩn của mạng 6G.

Hà Anh (t/h)