Ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam

14:39 20/12/2023

6.100 mục từ hiện diện trong cuốn Từ điển là tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, kiên trì, bền bỉ của toàn thể các nhà khoa học đã tham gia biên soạn, thẩm định, nghiệm thu cũng như sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sáng ngày 20/12, Tổng hội Y học Việt Nam đã cho ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam. Phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam, GS, TS Lê Gia Vinh - Phó Trưởng ban Biên tập Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam đã tóm tắt kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Bộ Y tế “Xây dựng, biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam”.

Ảnh minh họa
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam.

Khoảng những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, GS Hoàng Đình Cầu, khi ấy đang là Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam đã ôm ấp dự định làm một cuốn Từ điển Bách khoa Y học đầu tiên ở Việt Nam. Là người đã từng làm chủ biên của cuốn Từ điển Y học Pháp-Việt, Từ điển Y học Nga-Việt và Trưởng ban Y học của Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. GS Hoàng Đình Cầu, khi ấy đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn tận tụy, tâm huyết với khối kiến thức và kinh nghiệm biên soạn từ điển.

Thầy đã dày công soạn tập danh mục từ y học và chuyển cho các Hội Chuyên khoa Trung ương để nghiên cứu, giải thích. Tuy nhiên, công việc đó mới chỉ là nền tảng cho công trình biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam sau này.

Nhiệm kỳ tiếp theo, những năm 2005-2006, thực hiện nguyên vọng của GS Hoàng Đình Cầu, GS,VS Phạm Song - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, sau khi hoàn thành và xuất bản hai tập Từ điển Bệnh học do Giáo sư làm Chủ biên cùng tập thể các nhà y học, đã có buổi làm việc với PGS,TS, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đề xuất chủ trương của Tổng hội Y học Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng và biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam và được Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến tán thành ủng hộ.

Đến năm 2008, thực hiện chủ trương phối hợp giữa Tổng hội Y học Việt Nam và Bộ Y tế, theo Quyết định số 4032/QĐ-BYT ngày 16/10/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phê duyệt Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ “Xây dựng, biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam”. Với sự quyết tâm, nhiệt tình, trách nhiệm cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các nhà khoa học trong các hội chuyên khoa Trung ương thuộc Tổng hội Y học Việt Nam, GS, VS Phạm Song đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn, Ban Thư ký để tiến hành nhiệm vụ khoa học đã được phê duyệt.

Qua ba năm (2008-2011) tích cực làm việc, năm 2011 Tổng hội Y học Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn I của Nhiệm vụ biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam giai đoạn I với 4.032 mục từ.

Từ năm 2018, dưới sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Bộ trưởng Bộ Y tế, với quyết tâm của Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, đã cùng các nhà khoa học của 27 hội chuyên khoa Trung ương làm việc hết sức tích cực, không kể ngày đêm, công việc bận rộn, tiếp tục xây dựng, biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam giai đoạn II với hơn 2.000 mục từ.

Ảnh minh họa
GS, TS Lê Gia Vinh - Phó Trưởng ban Biên tập Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam.

Trong một thời gian dài, khoảng gần hai năm, Ban Biên tập, Ban Thư ký cùng các Tiểu ban Chuyên ngành đã làm việc miệt mài, tận tụy để thẩm định hàng nghìn mục từ của các Hội Chuyên khoa Trung ương biên soạn gửi tới. Qua quá trình tổng hợp, thẩm định, chỉnh sửa nghiêm túc, đến nay các mục từ đã được nghiệm thu cấp tổng hội và cấp bộ. Bộ Y tế đã ra Quyết định số 2371/QĐ-BYT ngày 31/8/2022 về việc công nhận kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ với tên đề tài: “Xây dựng, biên soạn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam. Sau khi đề tài được nghiệm thu chính thức, 6.100 mục từ của cả hai giai đoạn (I và II) đã được rà soát kỹ lưỡng, loại bỏ các mục từ trùng lặp, chỉnh sửa cẩn thận và sắp xếp theo vần A, B, C đúng với thể thức biên soạn từ điển.

“Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam xuất bản lần này là kết quả tổng hợp việc xây dựng và biên soạn các mục từ y học trong cả hai giai đoạn I và II. Từ điển này là dạng từ điển khái niệm -không những giải thích mục từ mà còn nêu lên cơ chế bệnh sinh, triệu chứng lâm sàng, điều trị, dự phòng nếu thuộc các mục từ bệnh học.

Ảnh minh họa
Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam gồm 6.100 mục từ, là tâm huyết trí tuệ, trách nhiệm, kiên trì, bền bỉ của toàn thể các nhà khoa học.

Những mục từ thuộc chuyên ngành cơ sở, xét nghiệm thì giải thích và nêu các ứng dụng vào thực tiễn, để việc sử dụng đạt được hiệu quả cao nhất, phục vụ không những cho những cán bộ y tế mà còn cả cho quần chúng nhân dân có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo”, GS, TS Lê Gia Vinh nhấn mạnh.

Với tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, kiên trì, bền bỉ của toàn thể các nhà khoa học đã tham gia biên soạn, thẩm định, nghiệm thu cũng như sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng hội Y học Việt Nam đã hoàn thành 6.100 mục từ hiện diện trong cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam này.

Cùng với Lễ ra mắt cuốn Từ điển Bách khoa Y học Việt Nam, Hội đồng xét chọn Trí thức tiêu biểu năm 2023 của Tổng hội Y học Việt Nam cũng công bố 61 trí thức tiêu biểu được vinh danh. Trong đó có 9 người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên; 30 người có học hàm, học vị phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên; 22 người có học vị tiến sĩ, bác sĩ CKII, thạc sĩ, ….

Tổng hội Tổng hội Y học Việt Nam đã tập hợp thông tin, hình ảnh, tài liệu và in ấn cuốn “Trí thức tiêu biểu của Tổng hội Y học Việt Nam” lần thứ ba, năm 2023.

Hoài Anh