Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng

14:50 04/08/2023

Tính đến hết tháng 7, Quỹ bình ổn xăng dầu trong nước dư hơn 7.438 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ quý I/2021.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay được liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành nhất quán, phù hợp với diễn biến giá thế giới.

Đến hết tháng 7, xăng dầu đã qua 20 kỳ điều hành giá. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ này cho biết tính chung 7 tháng, giá xăng dầu trong nước đã giảm hơn 19,3% và dầu hỏa là hơn 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số dư Quỹ bình ổn xăng dầu tới 31/7 hơn 7.438 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với số dư vào cuối năm ngoái (4.600 tỷ) và là mức cao nhất từ quý I/2021. Do đó, nhà điều hành đã dừng trích lập vào quỹ này với các mặt hàng xăng, dầu từ đầu tháng 7 đến nay.

Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương) quyết định.

Bộ Tài chính cho biết việc điều hành giá, trích lập và chi Quỹ bình ổn linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để điều chỉnh giá trong nước thời gian tới khi thị trường thế giới vẫn xu hướng phức tạp.

Theo thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng RON 95-III là hơn 3.200 đồng một lít; E5 RON 92 trên 3.400 đồng. Với dầu diesel và dầu hỏa lần lượt khoảng 6.900 đồng và 5.700 đồng mỗi lít. Còn mặt hàng mazut đã trích 2.700 đồng một kg vào quỹ này.

Ở chiều ngược lại, số chi sử dụng từ quỹ cho RON 95-III là hơn 1.400 đồng và 1.320 đồng với RON 95-III và E5 RON 92. Các mặt hàng dầu được chi 300-700 đồng một lít, kg tùy loại trong 7 tháng qua.

Cũng theo Bộ Tài chính, hai nhà máy lọc dầu trong nước - là Dung Quất và Nghi Sơn - chiếm khoảng 70% nguồn cung xăng dầu nội địa - đã sản xuất lần lượt trên 3,79 triệu tấn và 4,32 triệu tấn xăng dầu các loại.

Từ 25/8, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng 35% sản lượng xăng dầu cả nước, dừng sản xuất 55 ngày để lần đầu bảo dưỡng sau gần 5 năm. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị đứt đoạn, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn được yêu cầu có phương án (kỹ thuật, nhân lực, vật tư nguyên liệu) hoạt động hết hoặc vượt công suất. Các doanh nghiệp đầu mối phải chủ động nhập khẩu từ tháng 7, không được để đứt gãy nguồn hàng.

Bộ Công Thương cũng điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu theo quý cho các doanh nghiệp đầu mối phù hợp, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

Về xuất khẩu, Việt Nam đã xuất hơn 1,14 triệu tấn xăng dầu và nhập về trên 5,12 triệu tấn nửa đầu năm nay. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu thô thế giới sẽ nhích tăng trở lại trong quý III, ở mức 87-92 USD một thùng, tương ứng giá thành phẩm 90-98 USD mỗi thùng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/8, giá dầu thô Mỹ WTI tăng 1,6% lên 81 USD. Dầu Brent tăng 1,5% lên 84,5 USD.

PV (Tổng hợp)