Quảng Ninh: Thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm đạt 754,63 triệu USD

14:11 23/08/2023

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 21/8/2023, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 754,63 triệu USD, đạt 62,9% kế hoạch năm 2023.

Quảng Ninh: Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm đạt 754,63 triệu USD
Quảng Ninh: Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm đạt 754,63 triệu USD.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các cơ quan đăng ký đầu tư của Tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 727,24 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 02 dự án với số vốn tăng thêm là 26,41 triệu USD; cấp 02 thông báo về việc nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp với giá trị vốn góp đạt 0,98 triệu USD. Tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 9 cả nước, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng về tổng vốn thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm 2023. Cụ thể:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 164 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,57 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đầu tư. Xét theo đối tác đầu tư, Hồng Kông (Trung Quốc) dẫn đầu với 49 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 3,81 tỷ USD, chiếm 32,96% tổng vốn FDI toàn tỉnh; tiếp theo là Nhật Bản (trên 2,34 tỷ USD, chiếm 20,24%), Hoa Kỳ (gần 2,31 tỷ USD, chiếm 19,95%). Lũy kế với 164 dự án FDI còn hiệu lực, Quảng Ninh đứng thứ 11 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dự kiến đến hết ngày 30/8/2023, thu hút FDI đạt 846,63 triệu USD, đạt 70,6% kế hoạch năm 2023.

Về thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách, tính đến ngày 21/8/2023, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 45.304 tỷ đồng, bằng 105,4% kế hoạch năm 2023.

Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 7/2023, tỉnh Quảng Ninh cấp mới Giấy CNĐKĐT cho dự án Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên tại KKT ven biển Quảng Yên với tổng vốn đầu tư 36.034,94 tỷ đồng, góp phần quan trọng đưa Tỉnh hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra về thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách năm 2023.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển hỗ trợ DN trong nước đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như: Trong tháng 7/2023 có 280 đơn vị (160 doanh nghiệp, 120 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 2.258 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ; 19 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tương đương so với cùng kỳ; 51 doanh nghiệp giải thể, giảm 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng năm 2023 có 1.615 đơn vị (992 doanh nghiệp, 623 đơn vị phụ thuộc) thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký đạt 14.445 tỷ đồng, giảm 1,5% so cùng kỳ; 1.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, tăng 14% so với với cùng kỳ; 302 doanh nghiệp giải thể, tương đương so cùng kỳ 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 89%). Có 598 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 20% so cùng kỳ. Về ngành nghề kinh doanh: Ngành nghề kinh doanh doanh chính của doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2023 tập trung vào 04 lĩnh vực: Bán buôn bán lẻ; Du lịch và cho thuê thiết bị; Xây dựng; Công nghiệp chế biến chế tạo.

Luỹ kế trên địa bàn tỉnh hiện có 16.820 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 338.000 tỷ đồng; trong đó: có 1.464 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; 4.833 doanh nghiệp thuộc tình trạng pháp lý khác ; 10.523 doanh nghiệp và chi nhánh đang hoạt động, có kê khai thuế. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, 7 tháng 2023 có 25 HTX thành lập mới, tương đường so cùng kỳ năm 2022, đạt 83% kế hoạch năm (kế hoạch thành lập mới 30 HTX).  Lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã chủ yếu là nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (chiếm 74%), còn lại là ngành nghề bán buôn, bán lẻ, du lịch, vận tải. Hợp tác xã thành lập mới tập trung ở các địa phương: Thành phố Cẩm Phả, Uông Bí, thị xã Đông Triều và các huyện Vân Đồn, Bình liêu, Hải Hà…; Vốn điều lệ đăng ký 112.720 triệu đồng, có 15 hợp tác xã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, 05 hợp tác xã đăng ký tạm ngừng, giảm so cùng ký. Lũy kế hiện tại tỉnh có 402 hợp tác xã đang hoạt động, có kê khai thuế.

Trong những tháng cuối năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, cụ thể như sau:

Chủ động tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc (bao gồm thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước); kịp thời đề xuất sửa đổi, hủy bỏ các quy định pháp luật, thủ tục pháp lý còn bất cập để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau đầu tư.

Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; phát huy và giữ vững vị thế của Quảng Ninh trong công tác cải cách hành chính.

Khẩn trương hoàn thiện các đồ án Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch phân khu; đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư các dự án trong năm 2023, hỗ trợ các chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trong công tác GPMB và tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án.

Tham mưu, chỉ đạo kịp thời đảm bảo đáp ứng đủ điện phục vụ cho các hoạt động sản xuất của KCN, KKT, CCN nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ thu hút đầu tư các dự án trong năm 2023; bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương về Quy hoạch Điện VIII và giá điện để đề xuất phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện mặt trời,… đang triển khai và tìm hiểu thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thăm dò, đánh giá trữ lượng than phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hợp lý, bền vững theo Quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường.

Tham mưu cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ cho các ngành, lĩnh vực Tỉnh quan tâm, chú trọng thu hút đầu tư, đồng thời tham mưu các giải pháp thu hút và “giữ chân” người lao động làm việc tại Tỉnh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư nhà ở cho người lao động làm việc trong KCN; nâng cao hiệu quả công tác dự báo nhu cầu lao động của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đối với một số ngành, lĩnh vực mà Tỉnh đang kêu gọi đầu tư.

Nam Trí Đức