Quảng Nam kiến nghị Thủ tướng gỡ khó cho doanh nghiệp

23:55 20/08/2021

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Văn bản nêu trong năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị định 41/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị định số 109/2020 về gian hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đắc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước... những chính sách vừa nêu đã đã kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Đầu năm nay, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, từ giữa tháng 5 trở lại đây, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và đang diễn biến phức tạp tại hầu hết các tỉnh thành trọng điểm trên cả nước, trong đó, nhiều tỉnh thành là nơi tiêu thụ ôtô lớn như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng... đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô nói chung, đặc biệt sản xuất lắp ráp xe ôtô từ 9 chỗ trở xuống, xe bus và mini bus; nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, bố trí lao động nghỉ luân phiên. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong số đó các công ty, nhà máy thuộc công ty cổ phần Ôtô Trường Hải - THACO đóng trên địa bàn khu kinh tế Chu Lai của tỉnh. Mức độ ảnh hưởng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn do chưa dự báo được thời điểm kiểm soát được dịch bệnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong khi đó, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước quy định tại Nghị định 109/2020 đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Để giảm áp lực nộp thuế, tạo nguồn vốn và khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Sau khi xem xét đề nghị của THACO và đề nghị của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét đề nghị điều chỉnh giảm quy định sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu trong năm 2021 và 2022 đối với nhóm xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống; xe mini bus, xe bus và xe khách.

Địa phương cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện trong nước chưa sản xuất được thêm một khoảng thời gian phù hợp, có thể từ 3-5 năm, sau khi Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗ hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, hết hiệu lực vào ngày 21/12/2022.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021, như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 109/2020.

Địa phương cũng kiến nghị tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp, như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 70/2020.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước theo hướng giá trị gia tăng trong nước (tỷ lệ phần trăm hàm lượng sản xuất trong nước) được khấu trừ vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được Quảng Nam kiến nghị lần này.

Đức Anh