Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng

18:31 28/08/2021

Một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế như khai tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp; điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không đúng quy định; xác định sai thuế suất đối với hàng hóa...

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản chỉ đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.

Gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó môi trường kinh doanh, gây tổn thất cho ngân sách

Gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó môi trường kinh doanh, gây tổn thất cho ngân sách. (Ảnh: minh họa)

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung.

Trước hết, ngành Thuế, Hải quan kiểm tra chặt chẽ hồ sơ kê khai hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế, sớm áp dụng hóa đơn điện tử, dữ liệu lớn hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc để ngăn chặn tình trạng hoàn thuế khống, sử dụng hóa đơn giả,... gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan này kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng gian lận, lập hồ sơ khống, quay vòng, sử dụng hóa đơn giả,... nhằm thu hồi đầy đủ số tiền thất thoát vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bộ Tài chính cho biết, qua hoạt động thanh tra đã đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.

Thống kê cho thấy, doanh nghiệp thường sử dụng một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế như: khai tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp; điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không đúng quy định; xác định sai thuế suất đối với hàng hóa; thành lập doanh nghiệp “ma” để sử dụng, mua bán hóa đơn trái phép...

Theo các chuyên gia kinh tế, hoàn thuế giá trị gia tăng là trả lại cho doanh nghiệp số tiền thuế đã ứng trước theo quy định của pháp luật thuế. Có thể thấy, với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn nhanh, nhiều doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đang khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong thời gian qua, qua thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập tạo thuận lợi thương mại tối đa, các doanh nghiệp lợi dụng chính sách mở để thực hiện nhiều hành vi vi phạm về thuế. Thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp thường sử dụng một số thủ đoạn gian lận hoàn thuế như: khai tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ và giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp; điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra không đúng quy định; xác định sai thuế suất đối với hàng hóa…

Gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó môi trường kinh doanh, gây tổn thất cho ngân sách. Theo các chuyên gia kinh tế, để quản lý chặt chẽ nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát.

Thời gian qua, để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu như yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các công việc rà soát các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản... để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế giá trị gia tăng có rủi ro cao; thông qua đó, căn cứ hồ sơ thực tế và đối chiếu với quy định của pháp luật để xử lý về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Trong đó, ngành Thuế khi thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế giá trị gia tăng đều thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đối chiếu hồ sơ thực tế, bản chất các giao dịch và so sánh với các quy định của pháp luật về thuế nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra sau hoàn, cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường tập trung đôn đốc thu hồi hoàn tiền thuế giá trị gia tăng và xử lý vi phạm về thuế theo quy định. Những trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế được thu thập, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý để chuyển thông tin và các dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan công an theo quy định và kiến nghị khởi tố.

Đáng chú ý, các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đều được công khai thông tin để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tương tự, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Bảo Ngân