Phú Thọ: Tập trung xây dựng vùng trồng chè nguyên liệu xuất khẩu

18:57 10/07/2023

Tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng chè tập trung đầu tư thâm canh, sản xuất theo các quy trình an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 70 vùng trồng chè tập trung với tổng diện tích hơn 5,8 nghìn ha, trong đó diện tích chè được cấp các chứng chỉ an toàn đạt gần 3,7 nghìn ha, đã cấp được hai mã số vùng trồng tại huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ. Đây là những vùng chè đáp ứng được yêu cầu về sản xuất chè xanh và chè đen phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm chè của Phú Thọ đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan… Hiện toàn tỉnh có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên một tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ, 15 làng nghề và tám hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.

Là một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc, HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ- Phó Giám đốc HTX cho biết: Trước đây bà con canh tác theo hình thức truyền thống, cứ thấy chè bị sâu bệnh là phun thuốc BVTV dẫn đến không đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi thành lập HTX, tất các thành viên đều được quán triệt, tập huấn và đã được chuyển đổi trồng chè an toàn theo phương thức hữu cơ. Hiện HTX đang phấn đấu đưa toàn bộ vùng sản xuất chè nguyên liệu sang sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm mục tiêu sản xuất chè xanh xuất khẩu bởi năm 2019, HTX đã chủ động giới thiệu sản phẩm tại một hội chợ về nông nghiệp tại CHLB Đức và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng.

Tại Tổ liên kết sản xuất chè sạch tại khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba có 12 thành viên với tổng diện tích trồng chè sạch đạt 25ha do anh Nguyễn Xuân Trường làm Tổ trưởng. Anh Trường cho biết: Giai đoạn trước năm 2007, người dân ở đây chủ yếu sản xuất chè hạt theo kinh nghiệm, ít chú ý đến quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên nên năng suất chè không cao. Thêm vào đó, việc người dân sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học chưa hợp lý, ảnh hưởng lớn đến chất lượng chè thành phẩm.

Cũng theo anh Trường, khi được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi giống chè Ô long, đầu tư KHKT, đặc biệt là chuyển hướng trồng chè VietGAP liên kết với công ty nên sản phẩm chè chất lượng tốt, sức mua tăng, giao dịch nhanh, hái đến đâu bán hết đến đó. Trung bình mỗi năm nhóm hộ chúng tôi thu được trên 200 tấn chè nguyên liệu, cung cấp cho Công ty TNHH MTV chè Phú Bền hoặc Công ty TNHH chè Hoài Trung, giúp người trồng chè có nguồn thu ổn định.

Để việc xuất khẩu chè thuận lợi và tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, tỉnh cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ.

P.V