Phú Thọ: Nhiều quầy hàng tại các chợ truyền thống ế ẩm, sức mua giảm nhiệt

16:07 05/04/2023

Tình hình buôn bán tại nhiều chợ truyền thống ở Phú Thọ ế ẩm, nhiều sạp đóng cửa và tình trạng tiểu thương tiếp tục treo biển sang nhượng, cho thuê quầy hàng diễn ra phổ biến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chợ năm tầng, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì thường là vào cuối buổi sáng hoặc cuối buổi chiều, nhưng hình ảnh tấp nập người mua người bán đã không còn. Các quầy hàng thời trang như: Quần áo, giày dép chỉ thấy người bán, tuyệt nhiên không có một khách hàng.

Có những ngày sáng xếp hàng ra, chiều dọn hàng vào không bán được gì, thậm chí có những sạp cả tuần không bán được hàng, chợ thưa thớt, vắng bóng người mua. 5 năm bán hàng giày dép tại đây, chị Lê Thị Phương Đông, chủ một quầy hàng chia sẻ: “Từ đợt dịch COVID-19 việc buôn bán luôn ế ẩm, sau đợt dịch căng thẳng ấy chúng tôi vẫn hy vọng hoạt động buôn bán trở lại bình thường nhưng tình trạng này vẫn kéo dài suốt nhiều tháng nay. Vì đã mua lại quầy hàng, không mất tiền trả tiền thuê hằng tháng như nhiều chủ quầy khác nên tôi vẫn cố gắng bán hàng, nếu phải đi thuê có lẽ cũng lao đao”.

Không chỉ các chợ trên địa bàn thành phố, nhiều chợ trên địa bàn huyện cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2018, chợ Tứ Xã, huyện Lâm Thao có 300 ki-ốt, trong đó có hơn 30 ki-ốt hiện vẫn đóng cửa không có người thuê, chưa kể đến những ki-ốt đóng cửa tạm thời, số còn lại cũng buôn bán cầm chừng.

Chị Nguyễn Thu Phương - chủ quầy hàng quần áo chợ Tứ Xã chia sẻ: “Tôi kinh doanh kết hợp cả quần áo người lớn và trẻ em nhưng lượng hàng bán ra chậm, tồn nhiều, muốn nhập mẫu mới cũng phải đắn đo vì mẫu cũ chưa bán hết, nhiều người còn phải sáng chợ phiên, chiều chợ nhà để hy vọng bán được thêm chút nào hay chút đó”.

Ông Bùi Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý chợ Tứ Xã cho biết: “Giá dịch vụ, vệ sinh của một ki-ốt là khoảng gần 100.000 đồng/tháng, tiền thuê đất 180.000 đồng/tháng, ngoài ra nhiều người bán hàng chưa có đủ khả năng mua ki-ốt, thông thường họ sẽ phải thuê và trả tiền thuê hằng tháng cho chủ ki-ốt, mức giá là do đôi bên tự thỏa thuận. Các quầy hàng ở vị trí “đắc địa” tuy giá thành thuê có đắt hơn nhưng vẫn “túc tắc” bán được hàng, càng ở cuối chợ càng khó bán vì ít người chịu đi đến hết chợ”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Có thể thấy, tình trạng buôn bán giảm mạnh tập trung chủ yếu vào các quầy hàng thời trang, phụ kiện như: Quần áo, giày dép, ba lô, túi xách..., điều này cũng dễ hiểu khi sự lên ngôi của việc bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok... và các ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Shopee, Lazada...

Người thành thạo công nghệ, dễ dàng có thể mua được những món đồ mình thích mà không cần tốn thời gian ra chợ. Những người có thu nhập, có nhu cầu mua, theo kịp xu hướng lại tập trung nhiều nhất ở độ tuổi từ 18 đến gần 50, nhưng đa phần đều đi làm cả ngày, không có thời gian ra chợ nên họ thường tận dụng thời gian lướt mạng để có thể mua được món đồ yêu thích.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều người đặc biệt giới trẻ là ngại trả giá, không trả giá sợ mua bị “hớ”, trả giá không mua lại sợ bị nói, trong khi nhiều người bán lại “hét giá” quá mức, vì thế họ chọn "chợ online" vừa có sẵn giá, dễ dàng lựa chọn, thậm chí nhiều mặt hàng được trợ giá, “săn sale” có mức giá còn rẻ hơn giá bán ngoài chợ và giá gốc của các tiểu thương nhập về.

Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn có ưu thế là một nét văn hóa, là thói quen mua bán lâu đời của người dân. Một số người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thấp, đặc biệt là những người ở độ tuổi ngoài trung niên luôn muốn xem tận mắt, cầm tận tay sản phẩm nên vẫn trung thành với các chợ truyền thống.

P.V