Phú Thọ: Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chè

09:42 21/02/2023

Ứng dụng khoa học- công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ chè đang được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh nhằm nâng cao vị thế, chất lượng cho sản phẩm.

Sản phẩm chè xanh của HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có mã số, mã vạch, QR Code
Sản phẩm chè xanh của HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có mã số, mã vạch, QR Code. 

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh gần 15.000ha, tỉ lệ chè giống mới chiếm gần 80% diện tích. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.700ha chè được cấp chứng nhận an toàn (RA, VietGAP), hình thành trên 150 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5.100ha.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất gắn liền chế biến với 59 doanh nghiệp, HTX chế biến chè có công suất từ 1.000 tấn chè búp tươi/năm trở lên, có gần 1.300 cơ sở chế biến thủ công, 18 làng nghề và 25 HTX sản xuất, chế biến chè.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư thiết bị chế biến chè theo hướng đồng bộ, hiện đại nên sản phẩm chè làm ra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hình thức sản phẩm đẹp hơn, tiết kiệm chi phí hơn nên được khách hàng ưa chuộng. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Ông Đinh Mạnh Cường- Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn cho biết: “Chúng tôi nhận thức được rằng, trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. HTX canh tác chè theo hướng an toàn, đầu tư hệ thống tưới phun mưa để tiết kiệm nước, bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu. Từ chính sách khuyến công và các nguồn vốn hỗ trợ khác, HTX được hỗ trợ một phần vốn đầu tư máy móc. Đến nay, HTX có máy sao chè bằng ga, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng”.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm để chọn lựa những sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Công ty TNHH chè Đức Tuân, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng cho biết: “Chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất chặt chẽ, đầu tư máy móc công nghệ, chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thời gian tới, chúng tôi hướng đến xuất khẩu sản phẩm chè xanh sang Nga, các nước Đông Âu. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại bước đầu phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý và thời gian".

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại không còn là lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc với các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành chè để duy trì, mở rộng thị trường trong thời đại công nghệ số.

P.V