Phú Thọ: Chợ truyền thống thay đổi trong thời đại công nghệ số

13:29 04/07/2023

Với sự đổi thay về diện mạo, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén bắt kịp thời đại công nghệ số của người kinh doanh đã góp phần để chợ truyền thống nâng cao sức cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp người bán tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay mất thời gian đổi tiền lẻ trả lại cho khách
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp người bán tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay mất thời gian đổi tiền lẻ trả lại cho khách.

Toàn tỉnh hiện có gần 200 chợ, đối tượng kinh doanh chủ yếu là các tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Các mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng như: Thực phẩm tươi sống, hàng may mặc, đồ gia dụng...

Những năm gần đây, sự bùng nổ của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng với việc mua sắm qua mạng đã khiến cho những khu chợ truyền thống đang dần mờ nhạt. Tuy nhiên, với những giá trị văn hóa, tập quán gắn liền với từng địa phương, chợ truyền thống vẫn luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội hiện đại.

Trên địa bàn huyện Lâm Thao hiện có khoảng 10 chợ truyền thống đang hoạt động ổn định ở các xã, thị trấn. Chợ thường hoạt động theo phiên vào những ngày cố định. Trung bình một tháng, các chợ họp từ 5-7 phiên, thời gian họp chủ yếu vào buổi sáng.

Mặc dù là chợ quê, khách hàng chủ yếu là người dân địa phương nhưng người bán hàng đã dần tiếp cận với những phương thức kinh doanh hiện đại như việc thanh toán không dùng tiền mặt hay bán hàng cả trực tiếp và qua mạng xã hội như facebook, zalo... (bán hàng online), thậm chí kiêm luôn giao hàng. Chị Nguyễn Thu Thảo - chủ quầy thịt lợn, chợ thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao chia sẻ: Giờ bán hàng không chỉ bán trực tiếp tại chợ, ai bận không qua mua được sẽ điện rồi mình giao hàng qua cho họ, thời buổi hiện nay phải bán hàng đa dạng chứ không thì khó giữ khách lắm.

Chợ truyền thống vẫn là nơi trao đổi, mua, bán hàng hóa của đông đảo người dân bởi thói quen mua sắm từ lâu đời
Chợ truyền thống vẫn là nơi trao đổi, mua, bán hàng hóa của đông đảo người dân bởi thói quen mua sắm từ lâu đời.

Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống trong việc phân phối, bán lẻ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thời gian qua, các địa phương cũng đã tăng cường huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các chợ. Nhờ đó, các chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố với những quầy hàng đảm bảo diện tích, sạch sẽ.

Đặc biệt, các tiểu thương tại các chợ cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo hướng hiện đại, phát triển đa dạng các mẫu mã, thích ứng với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Họ đang dần tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến thông qua điện thoại di động, mạng internet để bắt kịp xu thế.

Nhiều tiểu thương đã chủ động chuyển sang kinh doanh song song hai hình thức là bán trực tiếp tại sạp hàng và bán online, đồng thời bắt kịp xu hướng công nghệ, từ hàng rau, hàng đậu đến hàng thịt, quần áo đều có thanh toán chuyển khoản, quét mã QR một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện.

Hơn nữa, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp người bán tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay mất thời gian đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, phường Minh Phương chia sẻ: Nếu như trước đây ra chợ không mang tiền lại phải quay về thì giờ đây chỉ cần có điện thoại, mua bó rau giá 10.000 đồng cũng có thể thanh toán qua tài khoản. Điều đó khiến tôi cảm thấy thích thú vì cảm thấy hài lòng và tiện lợi khi mua sắm.

Có thể thấy, chợ truyền thống vẫn là nơi trao đổi, mua, bán hàng hóa của đông đảo người dân bởi thói quen mua sắm từ lâu đời. Việc bắt kịp thời đại công nghệ số của người kinh doanh đã góp phần để chợ truyền thống tránh nguy cơ tụt hậu trong cuộc sống hiện đại.

P.V