Phú Thọ: 15 năm thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI)

11:37 01/07/2021

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chính thức được thực hiện với tất cả các địa phương trong cả nước. Đến nay, PCI với 10 chỉ số thành phần trở thành thước đo quan trọng đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp của mỗi địa phương. “Bền bỉ thực hiện mục tiêu tăng bậc PCI suốt 15 năm qua, Phú Thọ đã có nhiều giải pháp hữu hiệu vươn mình từ top cuối bảng xếp hạng lên top khá”, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.

Các chỉ số xếp hạng CPI của Phú Thọ theo từng năm
Các chỉ số xếp hạng CPI của Phú Thọ theo từng năm.

 Để CPI không chỉ là một bảng xếp hạng mà thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự đổi mới trong chỉ đạo điều hành, đi vào thực tiễn phát triển, “cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh” được tỉnh Phú Thọ xác định là khâu đột phá duy nhất của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới. Với quyết tâm cao, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tất cả các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã “chuyển biến” mạnh mẽ, bắt tay vào cụ thể hóa các nhiệm vụ để thực hiện khâu đột phá này.

6 tháng đầu năm 2021, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,22% (cùng kỳ năm 2020 là 1,24%); giá trị xuất khẩu ước đạt 3.150 triệu USD, tăng 70,7% so với cùng kỳ. Lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc, Tập đoàn Foxconn; tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, mở ra nhiều tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư của tỉnh.

Chỉ trong 6 tháng, trên 20 lượt nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh, dự kiến đầu tư tại Khu công nghiệp, Phú Hà, Cẩm Khê trong đó có các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Foxconn sản xuất linh kiện cho hãng Apple, Sojit (Nhật Bản); Tập đoàn Wingtech sản xuất linh kiện điện tử; tập đoàn BYD sản xuất xe điện... Tính đến ngày 15/6/2021, Phú Thọ đã thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký 52,5 triệu USD; chấp thuận chủ trương đầu tư 32 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1.885 tỷ đồng; 25 dự án đầu tư đi vào hoạt động với vốn thực hiện 803,8 tỷ đồng.

Để cải thiện các chỉ số PCI chưa có nhiều chuyển biến ở năm trước như: Tiếp cận đất đai; tính minh bạch; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, các cấp, các ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 203 dự án đầu tư tư nhân giai đoạn trước năm 2020 chậm tiến độ, vướng mắc kéo dài; kiểm tra, cho ý kiến đối với trên 60 dự án đầu tư trọng điểm để giải quyết các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất, tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trong năm 2021.

Phản ánh về cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực trong xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh của Phú Thọ, ông Phạm Gia Lý - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh khẳng định: Các doanh nghiệp đều đánh giá cao sự năng động của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo điều kiện cho bộ phận kinh tế tư nhân phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng đã đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách hiệu quả. Phú Thọ ngày càng khẳng định uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư.

Quyết liệt và đồng bộ, PCI của Phú Thọ đang là điểm sáng ở khu vực và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng bậc trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tất cả các địa phương trên cả nước đang vươn mình mạnh mẽ, Phú Thọ cần tiếp tục kiên trì mục tiêu, thực hiện các bước tiến vững chắc để bứt phá trong cả bảng xếp hạng PCI và cả sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 

Khú công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ đã sắn sàng đón nhà đầu tư
Khú công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ đã sắn sàng đón nhà đầu tư.

 Ở giai đoạn đầu tham gia xếp hạng PCI, nhiều chỉ số của tỉnh Phú Thọ rất thấp trong bảng xếp hạng giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó thấp nhất là năm 2013 ở vị trí thứ 54. Trên cơ sở phân tích rõ những hạn chế, tỉnh đặt mục tiêu đổi mới toàn diện để từng bước nâng hạng PCI của tỉnh, coi đây là điều kiện, động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2015”. UBND tỉnh đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, trực tiếp giao cho các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số năng lực cạnh tranh. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh quyết liệt thực hiện các khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực - những yếu tố quan trọng để Phú Thọ trở thành điểm đến đầu tư.

Phú Thọ xây dựng một diện mạo mới năng động và sẵn sàng đón nhà đầu tư; cam kết “luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp” thực sự đi vào thực tế, nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư và chủ động xúc tiến đầu tư tại nhiều thị trường tiềm năng đã phát huy hiệu quả. Chỉ số CPI của tỉnh liên tục tăng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2020, điểm tổng hợp PCI của tỉnh đạt 64,52, tăng 4 bậc so với năm 2019, xếp thứ 22 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc.

Đánh giá về sự cải thiện rõ rệt trong bảng xếp hạng PCI của tỉnh Phú Thọ, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: Phú Thọ là một trong những địa phương có sự nỗ lực bền bỉ, liên tục trong việc cải thiện chỉ số PCI. Hằng năm sau khi bảng xếp hạng được công bố, tỉnh đều có sự phân tích, tìm ra các giải pháp để khắc phục những chỉ số còn hạn chế. Do đó những năm gần đây, Phú Thọ đã có sự thay đổi ở các chỉ số quan trọng như: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức… Được biết, để các chỉ số khác tiếp tục cải thiện như kì vọng, tỉnh đang nghiên cứu, tham khảo các địa phương ở top đầu để đưa được áp lực cải cách, thay đổi năng lực cạnh tranh về cấp huyện, cấp xã.

Cùng với chỉ số PCI, năm 2020, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Phú Thọ đạt 85,74 điểm, tăng 10 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc so với năm 2019, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 88,20% tỷ lệ hài lòng chung, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2019. Những con số này thể hiện bước đi vững chắc của tỉnh trong chặng đường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ.

PV