Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á

15:58 05/07/2024

Chiều ngày 04/7/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải và Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh Đặng Quốc Toàn đã chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các Sở ban ngành trên địa bàn Thành phố và gần 60 phóng viên, biên tập viên của gần 40 cơ quan báo, đài.

Xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy đã thông tin về Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. HCM (CNVH) đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2025, phấn đấu phát triển đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Để làm được điều này, Thành phố chú trọng đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP trên địa bàn (gồm quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa). Cùng với đó, định hướng và từng bước phát triển các ngành nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi họp báo
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi họp báo.

Tới giai đoạn 2026-2030, đề án đề cập đến việc phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn Thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP. Hồ Chí Minh sẽ có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới.

Từ đó, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.

Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ, nhà đầu tư cam kết hoàn thành từ 6 - 8 tháng tới 

Đối với dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh, ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, dự án có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng. Tuy nhiên, công tác thi công đang gặp khó khăn về nguồn vốn thanh toán, phải tạm dừng. Trước tình hình trên, ngày 31/1/2023, UBND Thành phố đã ký kết Phụ lục Hợp đồng BT và Biên bản thỏa thuận với Nhà đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện nhưng gặp vướng mắc mới trong quá trình triển khai Nghị quyết số 40/NQ-CP (cơ chế thanh toán Hợp đồng BT, nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình). Thành phố đã có Tờ trình báo cáo Tổ Công tác Chính phủ và đề xuất giải pháp ban hành Nghị quyết mới nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán cho dự án, giải pháp huy động nguồn vốn, điều chỉnh tổng mức đầu tư theo kết luận Kiểm toán Nhà nước,…

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của phóng viên
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi của phóng viên.

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, nếu các khó khăn trên được Tổ Công tác Chính phủ tháo gỡ, nNhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành công trình trong vòng 6-8 tháng kể từ ngày được giải ngân.

Làm rõ kết luận thanh tra về khu Nam Thành phố

Thông tin liên quan những vấn đề của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng được Thanh tra TP. Hồ Chí Minh kết luận, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Đặng Quốc Toàn cho biết, vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì làm việc với Ban quản lý và các cơ quan chức năng về kết luận thanh tra nêu trên.

Ban quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố là mô hình đặc thù, được thành lập, phân cấp thủ tục hành chính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, một số thủ tục trước đây được thực hiện theo quy trình riêng.

Theo ông Đặng Quốc Toàn, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã bàn giao 53/110 ha đất công tại khu A của dự án, riêng 57 ha còn lại chưa bàn giao nhưng vẫn đang được dùng để phục vụ mục đích công cộng. Doanh nghiệp sẽ bàn giao nốt phần còn lại và không sử dụng cho mục đích khác.

Ông Đặng Quốc Toàn  - Chánh Văn phòng UBND Thành phố
Ông Đặng Quốc Toàn - Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh.

Liên quan sai phạm tại Trường quốc tế Nam Sài Gòn, ông Toàn thông tin, do trường mong muốn kịp thời đưa vào sử dụng kịp thời cho năm học 2023-2024 nên tiến hành song song việc xây dựng và làm thủ tục. Tại thời điểm thanh tra, đơn vị chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nên phải dừng và chịu phạt. “Ngay sau đó, công ty đã hoàn thành thủ tục và xây dựng xong, hiện đã thực hiện đúng quy định”- ông Toàn nói.

Đối với tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đại diện UBND TP. HCM cho biết, Phú Mỹ Hưng đã thực hiện đủ, chỉ còn 2 làn nối vào các khu B, C, D, E do các khu này chưa triển khai. Sắp tới, công ty sẽ triển khai 2 làn này, đồng thời có kế hoạch duy tu, chỉnh trang tuyến đường này.

Với việc triển khai tiếp các khu mới, người phát ngôn UBND Thành phố thông tin, do vướng pháp nhân thu hồi đất nên chưa thể bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như xác định trách nhiệm bồi thường. "Sắp tới sẽ báo cáo Thủ tướng và triển khai" - ông Đặng Quốc Toàn chia sẻ.

Trong buổi họp báo, đại diện các Sở ban ngành trên địa bàn Thành phố cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí liên quan đến các vấn đề như giải quyết việc xử lý tận gốc nạn xe dù, bến cóc, đón trả khách không đúng nơi quy định, tuần tra xử lý nồng độ cồn, kiến nghị cho phép lắp camera phạt nguội trên các tuyến đường như Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão…

Uyển Nhi