Phần mềm nào khiến người dùng Mỹ muốn xóa khỏi smartphone nhất?

17:09 09/03/2023

VPNOverview đã lập danh sách 10 phần mềm nổi tiếng mà người dùng muốn gỡ khỏi thiết bị nhất, theo đó Instagram xếp thứ nhất với hơn 900.000 lượt tìm kiếm cách gỡ bỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Công ty bảo mật VPNOverview vừa phối hợp hãng phân tích dữ liệu web Similarweb để tiến hành cuộc khảo sát về nhu cầu dừng sử dụng các ứng dụng di động trên toàn nước Mỹ và lập danh sách 10 phần mềm nổi tiếng mà người dùng muốn gỡ khỏi thiết bị nhất.

Kết quả, Instagram xếp thứ nhất với hơn 900.000 lượt tìm kiếm cách gỡ bỏ phần mềm này trên điện thoại. Tỷ lệ cài đặt chương trình lên thiết bị di động trong vòng 6 tháng qua cũng đã giảm tới 25%. Cùng với đó, Facebook - mạng xã hội chung công ty Meta với Instagram - đứng ngay vị trí số 2 với trên 385.000 tra cứu liên quan tới phương pháp xóa khỏi máy. Nửa năm qua, lượng tải về của ứng dụng cũng giảm 22%.

Báo cáo đã phân tích khối lượng tìm kiếm cho các cụm từ có liên quan đến việc “xóa” hoặc “hủy kích hoạt” các ứng dụng phổ biến bằng cách sử dụng trang web keywordtool.io và dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb.

Top 5 ứng dụng mà người Mỹ muốn “xóa” hoặc “hủy kích hoạt” nhiều nhất khỏi điện thoại của họ, bao gồm Instagram (900.120 lượt tìm kiếm), Facebook (385.410 lượt tìm kiếm), Snapchat (217.400 lượt tìm kiếm), Twitter (92.490 lượt tìm kiếm) và Telegram (24.819 lượt tìm kiếm).

Đứng thứ 10 với 6.720 lượt tìm cách xóa là YouTube. Dù có mặt trong danh sách, kết quả này vẫn không đáng kể với nền tảng chia sẻ video hàng đầu thế giới hiện nay khi ứng dụng có hơn 10 tỉ lượt tải về chỉ tính riêng trên hệ điều hành Android.

Một trong những nguyên nhân khiến Instagram và Facebook trở thành hai ứng dụng mà nhiều người Mỹ muốn “xóa” hoặc “hủy kích hoạt” trên điện thoại của họ nhất là do hai ứng dụng này quá phổ biến, gần như có mặt trên mọi chiếc smartphone.

Christopher Bluvshtein, chuyên gia về quyền riêng tư tại VPNOverview nhận định: "Đang có một nhóm người quay lưng lại với mạng xã hội, có thể vì chính trị, các vấn đề an ninh mạng gia tăng hay kém an toàn. Rõ ràng xu hướng người dùng rời bỏ các ứng dụng này đang tăng lên. Hiện nay xuất hiện một thuật ngữ mới khá thú vị là "doom-scrolling", tức là dành quá nhiều thời gian lên mạng để tiếp cận các tin tức tiêu cực. Trên thế giới hiện có rất nhiều vấn đề và các tin tiêu cực nhiều vô tận có thể khiến người đọc cảm giác suy sụp theo thời gian. Đây có thể là một phần lý do của hiện tượng người dùng rời bỏ mạng xã hội như đã nói".

Trong những năm gần đây, các cuộc thăm dò cho thấy sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với các nền tảng mạng xã hội phổ biến về các vấn đề như thông tin sai lệch, bắt nạt trên mạng, lừa đảo qua mạng, lo ngại về quyền riêng tư và khai thác dữ liệu.

Một số người dùng cũng lo ngại về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm lý của trẻ em và thanh thiếu niên. Các nghiên cứu nội bộ bị rò rỉ của chính Meta đã tiết lộ những tác động tiêu cực mà việc lạm dụng Instagram và Facebook có thể gây ra cho người dùng trẻ tuổi.

Trong khi phần lớn thanh thiếu niên ngày nay sẵn sàng tạm dừng sử dụng mạng xã hội, thì họ cũng hầu như bị chia rẽ về việc liệu họ có thể từ bỏ hoàn toàn mạng xã hội hay không.

Năm ngoái, 54% thanh thiếu niên tại Mỹ được Trung tâm Pew khảo sát cho biết sẽ "khó" từ bỏ hoàn toàn mạng xã hội. Ngược lại, có 46% người tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ "dễ dàng" từ bỏ, trong đó có 20% nói rằng việc từ bỏ hoàn toàn là "rất dễ dàng".

Hồng Nhung (t/h)