OpenAI đang đối mặt với vấn đề đăng ký bản quyền với tên gọi GPT

16:01 26/04/2023

Cái tên GPT của OpenAI dần trở nên mong manh hơn bởi hàng chục thương hiệu na ná ở nhiều lĩnh vực đã xuất hiện như ThreatGPT, MedicalGPT, DateGPT và DirtyGPT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhiều ứng dụng đang "ăn theo" sự phổ biến đáng kinh ngạc của ChatGPT, chatbot được OpenAI tung ra vào tháng 11 năm ngoái. ThreatGPT, MedicalGPT, DateGPT và DirtyGPT chỉ là một số ví dụ trong nhiều cái tên đã đăng ký nhãn hiệu ăn theo ChatGPT trong những tháng gần đây theo Tech Crunch

Rất nhiều đối thủ cạnh tranh lợi dụng tên gọi của ChatGPT để có lợi thế khi tung ra thị trường, đăng ký bản quyền tên gọi là điều đáng lẽ ra OpenAI đã phải thực hiện từ lâu.

Sau khi nộp đơn vào cuối tháng 12 để đăng ký nhãn hiệu cho cái tên “GPT”, viết tắt của “Generative Pre-training Transformer”, OpenAI vào tháng trước đã kiến nghị Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ đẩy nhanh quá trình này, với lý do “vô số vi phạm và ứng dụng giả mạo” bắt đầu xuất hiện.

Thật không may cho OpenAI, đơn kiện của họ đã bị bác bỏ vào tuần trước. Theo cơ quan này, các luật sư của OpenAI đã bỏ qua việc trả một khoản phí liên quan cũng như cung cấp “bằng chứng tài liệu phù hợp hỗ trợ cho việc biện minh cho hành động đặc biệt”.

Sau rất nhiều lần chưa thành công, cái tên GPT của OpenAI dần trở nên mong manh hơn bởi hàng chục thương hiệu na ná ở nhiều lĩnh vực. Thậm chí cả dự án trí tuệ nhân tạo của Elon Musk cũng được đặt tên TruthGPT để "dựa hơi" sản phẩm đi đầu.

Các chuyên gia cho rằng, sẽ phải 5 tháng nữa, OpenAI mới đăng ký thành công thương hiệu GPT. Việc sử dụng khái niệm transformer, công nghệ từng được Google phát triển vào năm 2017 cho AI cũng có thể trở thành rào cản kéo dài thời gian đăng ký bản quyền của OpenAI.

Ngay cả khi người kiểm tra của Văn phòng Nhãn hiệu và Bằng sáng chế Mỹ không gặp vấn đề gì với ứng dụng của OpenAI, thì nó vẫn phải trải qua giai đoạn phản đối, nơi những người tham gia thị trường khác có thể tranh luận tại sao cơ quan nên từ chối nhãn hiệu “GPT”.

Trong trường hợp của OpenAI, họ sẽ phải xác định rằng “GPT” là độc quyền và công chúng coi nó như vậy thay vì coi từ viết tắt liên quan đến AI tổng quát rộng hơn.

Trong suốt khoảng thời gian triển khai, dù có rất nhiều ý kiến trái chiều cùng những điểm chưa hoàn thiện, trí tuệ nhân tạo đơn cử như ChatGPT vẫn tạo được chỗ đứng do giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho các doanh nghiệp. Đại học Stanford cùng Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) trong thống kê mới đây cho hay, ChatGPT đã giúp hơn 14% nhân sự được hỏi tăng hiệu suất làm việc.

Không chỉ những lao động tay nghề cao, các lao động trình độ thấp cũng hưởng lợi lớn từ AI. Thống kê kể trên cho rằng, trung bình, nhờ có sự hỗ trợ của AI, các nhân sự hoàn thành công việc nhanh hơn 35%.

Mới đây, trang Reuters đã đưa tin ngày 26/4, OpenAI cập nhật một tính năng mới cho ChatGPT gọi là chế độ ẩn danh. Bản cập nhật này cho phép người dùng có thể bật hoặc tắt tuỳ chọn lịch sử trò chuyện và đào tạo trong mục cài đặt và xuất dữ liệu.

Khi tính năng mới được bật, cuộc hội thoại với người dùng trước đó sẽ không được lưu lại và công cụ chatbot AI sẽ không sử dụng các dữ liệu này để cải thiện trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, các cuộc hội thoại vẫn sẽ được nhà phát triển giữ lại trong vòng 30 ngày để theo dõi những vi phạm và lạm dụng trước khi tiến hành xoá vĩnh viễn.

Theo Reuters, động thái mới này của OpenAI được đưa ra trong bối cảnh ChatGPT cùng các chatbot AI khác đang được giám sát chặt chẽ hơn về quản lý dữ liệu người dùng, vốn được sử dụng để cải thiện hoặc huấn luyện hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Minh Anh (t/h)