OpenAI nhờ người dùng tìm kiếm các lỗ hổng trên chatbot ChatGPT

15:13 12/04/2023

Động thái mới nhất của OpenAI diễn ra khi công cụ chatbot ChatGPT bị cấm tại Italy do những lo ngại về việc vi phạm quy tắc bảo vệ quyền riêng tư.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Reuters đưa tin ngày 12/4, OpenAI chính thức triển khai OpenAI Bug Bounty, một chương trình thưởng tiền cho những người tìm ra lỗi của ChatGPT. Tiền thưởng thấp nhất là 200 USD và cao nhất 20.000 USD cho mỗi lỗ hổng, tùy theo mức độ nghiêm trọng.

OpenAI đã mời các nhà nghiên cứu thông qua nền tảng “săn lỗi nhận tiền thưởng” Bugcrowd để kiểm tra tính năng và cách thức giao tiếp của ChatGPT và các hệ thống OpenAI với các ứng dụng của bên thứ ba.

Do đó, chương trình tiền thưởng chỉ áp dụng khi phát hiện được các lỗi mà hệ thống OpenAI gây ra, không bao gồm các nội dung sai lệch hoặc độc hại được tạo ra bởi các hệ thống này. Các phát hiện sẽ được chấp nhận hay từ chối trong vòng 2 giờ. Cho đến nay, đã có 7 lỗi được thưởng tiền.

Các hãng công nghệ thường sử dụng chương trình “săn tiền thưởng” để khuyến khích lập trình viên và hacker báo cáo lỗi trong các hệ thống của mình. OpenAI tin rằng “sự minh bạch và hợp tác” là điều quan trọng để xử lý “các lỗ hổng và khiếm khuyết” trên bất kỳ công nghệ phức tạp nào.

Động thái mới nhất của OpenAI diễn ra khi ChatGPT bị cấm tại Italy do những lo ngại về việc vi phạm quy tắc bảo vệ quyền riêng tư. Sự việc này đang khiến các cơ quan quản lý ở châu Âu phải nghiên cứu kỹ hơn đối với các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Chat GPT ra mắt vào tháng 11/2022 do phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Mỹ, OpenAI phát triển dưới sự hậu thuẫn của tập đoàn công nghệ Microsoft Corp. Ngay khi vừa xuất hiện, công cụ đã nhanh chóng gây bão trên toàn cầu với khả năng phản hồi cực nhanh các câu hỏi được người dùng đặt ra.

ChatGPT có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, nhận lỗi, thách thức các tiền đề sai và bác bỏ các yêu cầu không phù hợp như một cuộc trò chuyện giữa người với người. 

Từ khi phát hành cho công chúng vào tháng 11/2022, ChatGPT đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu nhờ khả năng phản hồi nhanh chóng, nhưng cũng gây ra không ít phiền toái vì thiếu chính xác và các vấn đề khác như dọa dẫm, thao túng người dùng.

Cẩm Tú (t/h)