![]() |
Khi sa thải nhân sự không còn là cắt giảm, mà là chiến lược cho kỷ nguyên AI |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, ngành công nghệ đang chứng kiến một cuộc tái cấu trúc sâu rộng chưa từng có. Những ông lớn như Google, Meta, Microsoft, Autodesk, Workday, Salesforce, Siemens... đồng loạt sa thải nhân sự hàng loạt trên toàn cầu, không chỉ để tiết kiệm chi phí, mà còn là bước đi chiến lược nhằm định hình lại tương lai công nghệ.
Theo dữ liệu từ Layoffs.fyi, chỉ trong quý I/2025, hơn 22.000 nhân viên công nghệ đã mất việc tại ít nhất 81 công ty. Riêng tháng 2 đã ghi nhận tới hơn 16.000 trường hợp – mức cao nhất kể từ đợt cao điểm sa thải nhân sự năm 2023. Đây không còn là hiện tượng nhất thời, mà là một chu kỳ "thay máu" toàn diện, đặc biệt trong giới công nghệ.
Meta - công ty mẹ của Facebook - là một trong những cái tên nổi bật trong đợt cắt giảm năm nay. Gần 3.600 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động toàn cầu, đã phải rời đi. CEO Mark Zuckerberg nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tái phân bổ nguồn lực cho các dự án AI trọng điểm, đồng thời tinh gọn bộ máy để tăng khả năng cạnh tranh dài hạn". Đây là lần thứ ba kể từ năm 2022 Meta thực hiện cắt giảm trên diện rộng.
Google cũng khiến làng công nghệ dậy sóng khi tuyên bố sa thải 200 nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh toàn cầu vào đầu tháng 5. Trước đó, các đơn vị nền tảng và thiết bị, nơi phát triển Android, Pixel và Chrome cũng đã trải qua đợt tinh giản nhân sự. Gã khổng lồ tìm kiếm cho biết, mục tiêu của họ là tập trung toàn lực vào AI và các siêu trung tâm dữ liệu, trong bối cảnh cam kết đầu tư lên đến 75 tỷ USD vào hạ tầng công nghệ tương lai.
Tương tự, Autodesk, Workday, Salesforce và Siemens cũng tham gia làn sóng tinh giản này, với lý do chung là “tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực chiến lược như dữ liệu, AI và điện toán đám mây”. Riêng Siemens đã cắt giảm tới 5.600 việc làm trong mảng tự động hóa kỹ thuật số, đặc biệt tại các thị trường bị sụt giảm như Đức và Trung Quốc.
Điểm đáng chú ý là các đợt sa thải lần này không còn mang tính “cào bằng” như trước. Nhiều công ty, trong đó có Meta và Microsoft, chọn cách đánh giá hiệu suất để xác định ai sẽ ở lại. Meta thẳng tay loại bỏ 5% nhân viên bị đánh giá có hiệu suất thấp nhất, trong khi Microsoft cũng dựa vào các tiêu chí đóng góp chiến lược để đưa ra quyết định.
Chiến lược “giảm để tái đầu tư” không mới trong giới công nghệ. Nhìn lại quá khứ, năm 2016, chúng ta đã chứng kiến những cuộc chia tay quy mô lớn tại Intel (12.000 việc làm), IBM (hơn 5.000), và Cisco (5.500). Mục tiêu của họ khi đó là chuyển hướng dòng vốn và nhân lực sang các lĩnh vực đầy hứa hẹn như Internet of Things (IoT) và điện toán đám mây - những công nghệ đã định hình thập kỷ vừa qua.
Riêng với Google, cam kết đầu tư lên tới 75 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI và trung tâm dữ liệu là một minh chứng hùng hồn cho thấy mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm chi phí, mà là một cuộc tái phân bổ nguồn lực quy mô lớn.
Theo giới phân tích, xu hướng này cho thấy sự thay đổi trong văn hóa quản trị nhân sự, nơi không còn khái niệm “an toàn tuyệt đối”. Hiệu suất làm việc, khả năng thích nghi với chiến lược mới, và kỹ năng phù hợp với AI trở thành yếu tố sống còn để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
![]() |
Gần 3.600 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động toàn cầu, đã phải rời đi |
Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm nhân sự liên tục cũng kéo theo những hệ lụy. Hàng chục nghìn lao động công nghệ phải đối mặt với tương lai bất định, trong khi thị trường tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn, với yêu cầu cao về kỹ năng chuyên sâu trong AI, dữ liệu lớn, và bảo mật.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc AI thay thế các công việc có tính lặp lại cao, từ chăm sóc khách hàng đến kiểm duyệt nội dung, có thể khiến hàng triệu việc làm biến mất trong vài năm tới. Chính Google cũng đã tuyên bố sẽ tận dụng AI nhiều hơn trong các mảng như hỗ trợ khách hàng và tiếp thị toàn cầu.
Song giữa bức tranh nhiều gam màu xám, vẫn có những điểm sáng đáng chú ý. Nvidia - nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu - nổi bật khi không thực hiện bất kỳ đợt sa thải nhân sự nào trong hơn một thập kỷ. Công ty duy trì tỷ lệ nghỉ việc dưới 5% mỗi năm và vẫn thu hút nhân tài trong thời kỳ AI lên ngôi. Theo Business Insider, thành công của Nvidia đến từ văn hóa doanh nghiệp linh hoạt và chiến lược tập trung vào phát triển công nghệ lõi, dưới sự dẫn dắt của CEO Jensen Huang.
Không thể phủ nhận rằng, AI đang tái định hình toàn bộ ngành công nghệ và thị trường lao động. Các công ty buộc phải lựa chọn: hoặc đổi mới để cạnh tranh, hoặc tụt lại phía sau. Và để làm được điều đó, họ chấp nhận "tiếng ác" bằng những cuộc cải tổ quy mô lớn, chấp nhận chia tay với những vị trí không còn phù hợp để nhường chỗ cho những năng lực mới.
Với người lao động, điều này đồng nghĩa với áp lực lớn hơn nhưng cũng mở ra cơ hội nếu biết thích nghi. Trong bối cảnh AI chiếm lĩnh mọi mặt trận, việc liên tục nâng cấp kỹ năng, hiểu biết sâu về công nghệ và bám sát các xu hướng mới sẽ là tấm “vé an toàn” để tồn tại và phát triển.