Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam: Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại

15:07 26/08/2022

“Chúng tôi cho rằng cần chú trọng, xử lý tăng tốc độ tăng trưởng cho doanh nghiệp đang hoạt động chứ không phải con số tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký”, ông Bình kiến nghị.

Chia sẻ tại Diễn đàn với chủ đề: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững, bàn về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn từ Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có sự chậm lại về số lượng và lao động trong 5 năm từ 2016-2020. Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong nền kinh tế hiện tăng từ 505.000 doanh nghiệp vào năm 2016 lên khoảng 684.000 doanh nghiệp vào năm 2020.

Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam
Ông Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.

Như vậy, số lượng tăng lên chỉ 180.000 doanh nghiệp, là khoảng cách khá xa so với số lượng doanh nghiệp đăng ký hàng năm, thường ở mức 1,2 – 1,3 triệu doanh nghiệp đăng ký mỗi năm”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Lê Duy Bình, trong số 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì doanh nghiệp tư nhân trong nước là chính, khoảng 660.000 doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22.000 doanh nghiệp FDI.

“Con số này so với là tỷ lệ doanh nghiệp đang thực sự hoạt động ở các quốc gia trong khu vực ASEAN là còn khá xa. Đồng thời, so với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 là khá xa”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhìn vào xu thế tăng trưởng 5 năm vừa qua, ông Bình cũng chia sẻ, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại, cho thấy động lực tăng trưởng chậm lại.

“Chúng tôi cho rằng cần chú trọng, xử lý tăng tốc độ tăng trưởng cho doanh nghiệp đang hoạt động chứ không phải con số tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký. Chúng ta đã đạt tới giới hạn doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, do đó, cần quan tâm đối tượng “dự bị” là hộ kinh doanh với các giải pháp khuyến khích cụ thể để họ phát triển thành doanh nghiệp”, ông Bình kiến nghị.

Quy mô của doanh nghiệp tư nhân 5 năm qua cũng là điều đáng ông Bình cho rằng đáng suy nghĩ khi mà quy mô doanh nghiệp tư nhân nhỏ dần trong 5 năm qua. Từ mức trung bình 18 lao động/ doanh nghiệp đã gỉam chỉ còn 13 lao động/ doanh nghiệp, như vậy cho thấy quy mô doanh nghiệp tư nhân chỉ nhỏ bé tương tự hộ gia đình.

Tuy vậy, tỷ trọng tích tụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong 5 năm qua, từ 53% năm 2016 lên 59% năm 2020. Ông Bình đánh giá, nguồn vốn tăng khá mạnh nhưng quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ hơn các thành phần kinh tế còn lại như doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài. Quy mô nhỏ bé dẫn tới không tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung vào đầu tư công nghệ…

Doanh thu của khu vực tư nhân tăng ấn tượng so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nhưng điều này chưa thực sự đáng mừng bởi lợi nhuận không theo đà tăng ấn tượng cho thấy doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn lớn, vất vả nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn.

5 năm tốc độ đóng góp cho GDP vẫn ở mức khiêm tốn chỉ mức 7,8% năm 2016 lên 9,6% năm 2020, còn xa với mục tiêu tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%  như mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW. “Điều này cho thấy cần nhiều nỗ lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân để rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực ASEAN và gần hơn với mục tiêu được đề ra” – ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.

P.V