Ông chủ doanh nghiệp bán cả nhà để... trồng rừng

00:00 12/10/2020

Tháng 6, cái nắng như hắt xuống mặt đường, xe chúng tôi vừa qua khỏi dốc Xây không bao lâu thì tìm được lối rẽ theo chỉ dẫn. Cách quốc lộ chỉ một quãng ngắn, khung cảnh như mở ra, mời gọi những háo hức bằng cây, bằng suối, bằng không gian xanh mát mắt trải dài…

Chúng tôi dừng chân trước một điểm trạm quân đội, tiếp chúng tôi, là những chiến sĩ rắn rỏi và một vị cựu binh luống tuổi với những bước chân, cử chỉ linh hoạt. Ông là cựu binh Nguyễn Quang Đạo, chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Thanh, người nhiều năm qua âm thầm bảo vệ, trồng mới và quản lý hơn 400ha rừng ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa.

 

Doanh nhân- Cựu binh Nguyễn Quang Đạo, chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Thanh

Chia sẻ về những năm tháng làm rừng, người cựu binh say sưa: Tôi gốc là người Hà Nam, từ khi xuất ngũ, theo chủ trương vận động trồng rừng, tôi đã mạnh dạn đầu tư khai thác rừng sản xuất nơi đây. Tôi làm hai khu, một khu ở ngay trong đơn vị Quân đoàn 1 khoảng 50ha và khu của Sư đoàn.... với diện tích hơn 400ha. Rừng trồng chủ yếu là cây keo lấy gỗ. Từ năm 1997, diện tích rừng trồng đã được thu hoạch và trồng bổ sung một lượt vào khoảng những năm từ 2013 - 2016, diện tích thu hoạch lại được trồng bổ sung để đất không bị bỏ hoang lúc nào. Có những cây keo khai thác khi đủ 20-30 năm tuổi cho chất lượng rất tốt, được đánh giá cao về chất lượng. Sản lượng thu hoạch keo trung bình khoảng 10 - 20 khối/ ngày. Đầu ra của cây keo có thể nói là “không có mà bán” bởi xung quanh đây có rất nhiều nhà máy giấy, nhà máy sản xuất bao gì xuất khẩu…

Doanh nhân Nguyễn Quang Đạo bên rừng keo

Những ngày mới bắt đầu nhận rừng, người cựu binh ấy cũng không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Ông kể về những ca thán của vợ con. Dường như, đó là sự lo lắng dành cho chồng, cha khi tình yêu với rừng cứ lấn át hết mọi thứ. Nhưng vượt qua rất nhiều những lo lắng, với quyết tâm của người lính, người cựu binh ấy giờ đây đã tôn tạo thành công một phần khu rừng đặc chủng đầu nguồn của Thanh Hóa, giữ được mạch nước ngầm trong mát, giữ gìn khu rừng đầu nguồn cho mười mấy huyện lân cận thành công, bảo tồn được nét hoang sơ cho một thung lũng, giữ gìn được một loạt hang động ẩn trong lòng núi mà thiên nhiên kiến tạo và ban tặng cho.

Ngay từ những năm đầu thập niên 80, khi vừa xuất ngũ, từ một tổ hợp kinh tế của thị xã Bỉm Sơn, với hơn 10 năm hoạt động, người cựu binh ấy đã chuyển thành một doanh nghiệp để năm 1997 ông được quân đội giao đất để trổng và bảo vệ rừng. Từ khi được giao đất giao rừng cho đến nay, từng hơi thở, từng bước chân của ông đều gắn với nơi này. Trong những câu chuyện không ngớt về rừng, người cựu binh ấy như muốn đưa chúng tôi ngắm từng khoảnh cây, chạm vào từng vách đá mà ông đã dày công chăm sóc, canh giữ. Trong miên man chuyện trò, chỉ một đôi chút ông dừng lại: Bạn cứ thử ngẫm xem, mỗi loài cây đều có một đặc tính riêng biệt cả đấy, y như con người chúng ta vậy. Cũng như thế giới này có hàng tỷ người nhưng có ai là hoàn toàn giống nhau đâu. Càng khám phá tôi càng có tình yêu to lớn với thiên nhiên. Mẹ thiên nhiên là tạo hóa hoàn hảo nhất mà tôi từng biết, dù con người có cố gắng đạt đến sự hoàn hảo thì con người cũng chỉ là một phần của tự nhiên, và là một mắt xích trong sự hoàn hảo ấy mà thôi…

Doanh nhân Nguyễn Quang Đạo

Giữa một thung lũng rộng lớn, chỉ có điểm trạm quân đội ấy là nơi sinh hoạt, canh giữ rừng, không có nhà dân, không gần các cơ quan hành chính… Chúng tôi hỏi về những khó khăn của cựu quân nhân trong trồng trọt và gìn giữ thành quả sản xuất, ông chùng xuống: Trồng rừng đã khó, công tác giữ rừng lại càng khó nhà báo ạ! Người dân xung quanh đây không ngại ngần “nhảy dù” vào những khu rừng sản xuất này. Họ ở đây một thời gian với danh nghĩa sản xuất, trồng rừng và dần dần sinh sống, xây nhà, chiếm đất rừng để khai thác. Thời điểm khi tôi trồng được khoảng mười mấy hecta là lúc căng nhất. Dân ùa vào “chiếm” đất. Tôi phải vừa vận động, vừa quyết liệt bảo vệ cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về rừng cho người dân. Một mặt giữ rừng, nhưng tôi xác định, nếu mình làm hăng quá thì đôi bên sẽ đổ máu. Vậy là vừa cứng vừa mềm, tôi làm nhiều cách mới giữ nổi nguyên dạng khu rừng. Cũng từng xảy ra xô xát trong giữa những người lấn chiếm trước sự bảo vệ canh giữ của chúng tôi rồi đấy. Giữa rừng thế này, để chờ được cơ quan chức năng có mặt giải quyết, chúng tôi cũng phải tự trang bị cho mình một quyết tâm lớn lắm.

Bằng tình yêu và sức lao động, ông Nguyễn Quang Đạo góp phần tạo lên những cánh rừng bạt ngàn màu xanh

Giờ đây, tất cả các núi đá đã được ông tổ chức trồng cây, che phủ kín các cửa hang nhằm bảo tồn sự nguyên sơ của các hang động lớn nhỏ. Ông nói: Nếu không quyết giữ, những hang động kỳ bí ấy, những thạch nhũ kỳ ảo ấy có lẽ sẽ bị khai thác vô tội vạ từ lâu rồi. Nhiều cơ sở khai thác đá mỹ nghệ xung quanh vùng cũng nhòm ngó hỏi mua, nhưng tôi xác định rừng núi nơi đây không thể đẽo ra mà bán đá kiểu ấy được. Nên tôi đã từ chối hết. Để trồng rừng, ngoài những khó khăn về an ninh, thì nhân công và vốn cũng là một khó khăn rất lớn. Theo ông Đạo, nguồn vốn là một bài toán đầy nan giải và khó khăn vì nếu vay ngân hàng để trồng rừng thì chỉ có phá sản vì thời gian khai thác kéo dài từ 5 năm đến 10 năm, tiền lãi suất hàng tháng rất lớn. Chi phí nhân công ngày càng cao do đối tượng lao động dịch chuyển lớn, có những nhân công chúng tôi phải trả 9 -10 triệu/tháng, thấp hơn thì cũng 6 triệu/người. Với 20, 30 lao động như thế, còn chưa tính tiền ăn… thì chi phí hoạt động sản xuất cộng lãi ngân hàng là quá sức với doanh nghiệp.

Đứng trước những khó khăn, người cựu binh sống chết với rừng mong muốn: Nhà nước cần có một đường dây nóng cho lĩnh vực sản xuất khai thác trồng rừng, một tổ chức tập trung như ngân hàng lâm nghiệp, để những người trồng rừng như ông tìm được đường vay và nếu có thể cầm ủy quyền của chủ rừng đến vay và được vay với lãi suất ưu đãi nhất. Thực ra thì bản thân ông Đạo cũng đi tìm vay các nguồn vốn của ngân hàng nhưng chưa được giải quyết, khả năng tiếp cận vốn rất khó khăn nên theo ông cần có các cơ chế hỗ trợ cụ thể…

Chia sẻ về định hướng khai thác một cách hiệu quả nhất, ông Đạo nói: Phải đầu tư đã, rồi mới tính đến khai thác được. Trước mắt, ngoài chúng tôi, chưa có một đơn vị nào đầu tư toàn diện vào nơi đây. Có lẽ, cần một đơn vị, tổ chức có tầm và có cả tâm kết hợp cùng doanh nghiệp chúng tôi để cùng xây dựng phát triển nơi đây. Ngoài việc thu được lợi ích kinh tế, thì mảnh đất này cũng cần tạo được công ăn việc làm cho dân cư xung quanh. “Trong thời gian tới, tôi mong nếu có loại cây trồng nào có hiệu quả kinh tế lớn hơn, cần tập trung triển khai, chúng tôi sẵn sàng phối hợp thử nghiệm và cộng tác đầu tư, chỉ mong sao cánh rừng được khoe sắc, vừa tạo nguồn lợi kinh tế vừa giải quyết công ăn việc làm cho bà con, từ đó lan tỏa ra địa phương lân cận. Khi đó, diện tích rừng trồng sẽ không chỉ dừng lại ở 400ha mà có thể nhân lên thành 1000 hay 2000ha”, ông Đạo trải lòng..

Tiếp xúc và nghe những chia sẻ của ông Đạo, chúng tôi rất ấn tượng và nể phục một cựu chiến binh, chủ doanh nghiệp không ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy để hàng ngày, hàng giờ cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Để làm được điều đó, chỉ có tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và sự thấu hiểu cái giá con người phải trả khi không có rừng.

Anh Thư – Thu Giang