Nỗ lực mới từ Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nội địa

11:03 24/10/2023

31 trung tâm công nghệ mới vừa được Mỹ công bố, là giai đoạn đầu của Chương trình trung tâm công nghệ, được thiết kế để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, quan trọng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Rạng sáng nay (24/10) theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố danh sách 31 trung tâm công nghệ mới trên khắp nước Mỹ. Đây là nỗ lực mới nhất của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ.

31 trung tâm công nghệ mới vừa công bố nằm trải dài trên khắp 32 bang và Puerto Rico. Đây là giai đoạn đầu của Chương trình trung tâm công nghệ, được thiết kế để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, quan trọng của Mỹ như hệ thống tự động, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học hay sản xuất chất bán dẫn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: "Những trung tâm này sẽ là bước đột phá, chúng là một phần trong chuỗi các khoản đầu tư dài hạn mà chúng tôi đã tiến hành từ khi tôi nhậm chức. Tôi tin rằng nước Mỹ sẽ cất cánh, bởi lần đầu tiên sau thời gian dài chúng ta đầu tư vào nước Mỹ, đầu tư vào người dân Mỹ. Và chúng ta đang đầu tư vào tương lai của chính mình".

Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói với các phóng viên rằng chương trình này nhằm mục đích đa dạng hóa Mỹ ra bên ngoài các trung tâm công nghệ truyền thống như Thung lũng Silicon, Seattle và Boston.

Bà Gina Raimondo nói: “Những hệ sinh thái công nghệ đó chỉ tập trung ở một vài nơi trên khắp đất nước. Chúng không phản ánh toàn bộ tiềm năng của đất nước chúng ta và chiếm lĩnh thị trường những ý tưởng tuyệt vời".

để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, quan trọng của Mỹ
31 trung tâm công nghệ mới vừa công bố, là giai đoạn đầu của Chương trình trung tâm công nghệ, được thiết kế để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, quan trọng của Mỹ.

Bộ trưởng Gina Raimondo nói rõ các trung tâm này sẽ tạo ra việc làm, đồng thời tăng cường an ninh và kinh tế của nước này.

Không chỉ vậy, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ còn giúp củng cố thêm khả năng cạnh tranh của Mỹ.

Theo bà Raimondo, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận 400 hồ sơ xin tài trợ từ chương trình thúc đẩy phát triển công nghệ với tổng trị giá 500 triệu USD, vốn được công bố hồi tháng 5 vừa qua.

Bà nêu rõ 31 trung tâm công nghệ này là kết quả của quá trình tuyển chọn từ 400 ứng cử viên trên nhằm nhận khoản tài trợ lên tới 75 triệu USD.

Khoản tài trợ này được trích từ nguồn ngân sách 10 tỷ USD giải ngân theo Đạo luật CHIPS và Khoa học (trị giá hơn 53 tỷ USD) triển khai hồi năm 2022 nhằm khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.

Tổng thống Biden năm nay đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 4 tỉ USD để tài trợ cho các trung tâm công nghệ bổ sung trong khu vực. Quốc hội Mỹ vẫn chưa phê duyệt ngân sách cả năm cho năm tài chính hiện tại.

Cụ thể, 31 trung tâm công nghệ sẽ được thành lập tại Oklahoma, Rhode Island, Massachusetts, Montana, Colorado, Illinois, Indiana, Wisconsin, Virginia, New Hampshire, Missouri, Kansas, Maryland, Alabama, Pennsylvania, Delaware, New Jersey, Minnesota, Louisiana, Idaho, Wyoming, South Carolina, Georgia, Florida, New York, Nevada, Missouri, Oregon, Vermont, Ohio, Maine, Washington và Puerto Rico.

Bộ Thương mại Mỹ đánh giá, các trung tâm này sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặt nền móng cho cho tương lai tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm với thu nhập cao cho người Mỹ.

Hà Phương (t/h)