Nỗ lực của EU nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu chất bán dẫn

10:21 11/08/2023

Châu Âu hiện mới sản xuất được 9% tổng lượng chất bán dẫn toàn cầu. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu của khối, EU phải tăng tỷ lệ này lên 20% trước năm 2030.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chất bán dẫn là một công nghệ quan trọng cho ngành ô tô trong một số năm. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của chúng đối với cả quá trình sản xuất và chức năng của phương tiện đã không được chứng minh đầy đủ cho đến khi đại dịch COVID-19 khiến thị trường ô tô mới gặp khó khăn lớn. Vì thế, EU là nhiều quốc gia đang đặc biệt quan tâm phát triển chất bán dẫn.

Theo Sputniknews, Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội khối Thierry Breton cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ euro (110 tỷ USD) vào phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn để giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Phát biểu với Đài phát thanh RTL, ông Breton nêu rõ: “Tôi thông báo rằng chúng tôi dự định đầu tư hơn 100 tỷ euro vào ngành sản xuất chất bán dẫn của EU để đáp ứng nhu cầu của chúng ta cũng như xuất khẩu".

Quan chức này lưu ý rằng, châu Âu hiện mới sản xuất được 9% tổng lượng chất bán dẫn toàn cầu. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu của khối, EU phải tăng tỷ lệ này lên 20% trước năm 2030.

Ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu
Ông Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu.

Tháng 7 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Đạo luật về Chip trị giá 43 tỷ euro (tương đương 47 tỷ USD) liên quan việc cung cấp chất bán dẫn cho Liên minh này.

Với 587 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Nghị viện đã thông qua sáng kiến mang tên Đạo luật Chip EU. Theo đó, EU đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần thị phần toàn cầu của EU về chất bán dẫn lên 20% vào năm 2030.

Đây là một phần trong chiến lược tăng khả năng tự cung tự cấp của châu Âu, được đưa ra sau khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang do xung đột Nga - Ukraine.

Đạo luật sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành sản xuất chất bán dẫn châu Âu nhằm chuẩn bị đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung chip có thể xảy ra tại châu lục này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra và ngành sản xuất châu Á trỗi dậy, hoạt động của châu Âu trong lĩnh vực này giảm dần trong những thập kỷ gần đây.

Đài Loan (Trung Quốc) hiện chiếm lĩnh thị trường chip bán dẫn khi sản xuất 90% sản lượng chip tiên tiến nhất. 

Đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến chuỗi cung ứng tại châu Á đứt gãy, gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng chip cho ngành chế tạo ôtô của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Chip bán dẫn là “bộ não” của các thiết bị điện tử, được sử dụng trong mọi thứ từ điện thoại thông minh đến các thiết bị gia dụng.

Tú Anh (t/h)