Nỗ lực của các chính phủ trong cuộc đua chất bán dẫn toàn cầu

14:38 17/05/2021

Chất bán dẫn hiện là một trong những huyết mạch chính của nền kinh tế ngày nay. Không chỉ cần thiết trong kết nối internet mà loại vật liệu “nhỏ mà có võ” còn củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia cùng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên một thực tế đáng lo ngại là cung không đủ cầu buộc chính phủ các nước phải có những hành động quyết liệt.

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thiếu hụt chip trên toàn cầu và các nhà khoa học dự kiến tình trạng khan hiếm sẽ kéo dài đến năm 2022, hoặc có thể là năm 2023 và chuyển biến phức tạp. Nhiều quốc gia hiện đã chuẩn bị sẵn sàng “bơm” hàng tỷ đô la vào ngành chất bán dẫn trong những năm tới như một phần nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng và trở nên tự chủ hơn.

Hàn Quốc

Hàn Quốc trở thành quốc gia mới nhất công bố đầu tư khoản khổng lồ vào tuần trước. Chính phủ quốc gia này cho biết hôm thứ Năm rằng Hàn Quốc sẽ đầu từ 510 nghìn tỷ won (452 ​​tỷ USD) cho sản xuất chip 2030, phần lớn số tiền được huy động bởi các công ty tư nhân trong nước.

Abishur Prakash, chuyên gia địa chính trị tại Center for Innovating the Future, một công ty tư vấn có trụ sở tại Toronto chia sẻ với CNBC rằng đó là “một nỗ lực được đưa ra trong bối cảnh hiện nay giống như một cuộc chiến đích thực nhằm xây dựng an ninh và độc lập cho tương lai”. Prakash bổ sung thêm: “Bằng cách xây dựng khả năng đáp ứng lượng chip khổng lồ, Hàn Quốc sẽ có quyền quyết định quỹ đạo của riêng mình thay vì bị ép buộc theo một hướng cụ thể. Điều này cũng không phụ thuộc vào Trung Quốc hay Đài Loan. Bằng cách đầu tư hàng trăm tỷ đô la, Hàn Quốc đang đảm bảo rằng họ không bị mắc kẹt với các quốc gia khác trước các nhu cầu công nghệ quan trọng của chính đất nước”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Thông qua “Chiến lược K-Semiconductor”, chính phủ xứ sở Kim Chi dự kiến sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp này bằng cách giảm thuế, tài chính và cơ sở hạ tầng. Trong một bài phát biểu vào ngày 10 tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, chất bán dẫn đang trở thành một loại cơ sở hạ tầng quan trọng trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp... Trong khi duy trì trạng thái của ngành công nghiệp bán dẫn tốt nhất thế giới, chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của mình nhờ sự bùng nổ chất bán dẫn hiện nay như một cơ hội cho một bước tiến mới”. Đầu tư của Hàn Quốc đang được dẫn dắt bởi hai trong số các công ty chip lớn nhất cả nước là Samsung Electronics và SK Hynix.

Samsung Electronics - nhà sản xuất chip lớn nhất tại đây vốn là đối thủ của TSMC của Đài Loan, đang có kế hoạch đầu tư 171 nghìn tỷ won vào chip không có bộ nhớ đến năm 2030, nâng mục tiêu đầu tư trước đó lên 133 nghìn tỷ won. SK Hynix, nhà cung cấp chip bán dẫn bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) và chip bộ nhớ flash dự tính chi 230 nghìn tỷ won trong thập kỷ tới. Người phát ngôn của SK Hynix cho hay công ty sẽ chi 110 nghìn tỷ won cho các địa điểm sản xuất hiện có ở Icheon và Cheongju từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên Hàn Quốc không phải cái tên duy nhất trên “mặt trận” chất bán dẫn. Glenn O’Donnell, Phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester nhận định: “Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt giành vị trí số 1 và số 2 về năng lực sản xuất, theo sau đó là Mỹ ở vị trí thứ ba và Trung Quốc cũng đang nhanh chóng đầu tư”.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU

Cam kết của Hàn Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề xuất kế hoạch 50 tỷ đô la cho sản xuất chip và nghiên cứu, trong khi chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã cam kết chi tiền khủng cho các ngành công nghệ cao, tập trung nhiều vào chất bán dẫn. Vào tháng 3, EU đặt mục tiêu mong muốn 20% chất bán dẫn trên thế giới được sản xuất ở châu Âu vào năm 2030, tăng gấp đôi so với chỉ 10% vào năm 2010. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Ông O’Donnell cho biết: “Trong cuộc chiến giành vị trí thống trị lĩnh vực công nghệ, tất cả các quốc gia đều đang tranh giành vị trí quan trọng nhất đó là trở thành nhà cung cấp chính cho thế giới. Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc đều khao khát huy chương vàng của Thế vận hội Công nghệ”. O’Donnell cũng lưu ý rằng phải mất khoảng hai năm để xây dựng một nhà máy sản xuất chip hay còn gọi là fab: “Mỗi fab sẽ có giá lên tới 10 tỷ đô la, nhưng rất khó để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu chip cũng như không đảm bảo khả năng giành được huy chương vàng nói trên”. Ông còn chỉ ra: “Căng thẳng địa chính trị cũng ảnh hưởng đến các động lực. Hàn Quốc luôn sống dưới mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ làm mất ổn định vị thế công nghệ của nước này. Đài Loan, được cho là nhà cung cấp chất bán dẫn lớn nhất hiện nay đối mặt với mối đe dọa tương tự khi căng thẳng nóng lên với Trung Quốc đại lục”.

Ngoài các công ty Hàn Quốc, tất cả các nhà sản xuất chip lớn đều công bố các khoản đầu tư mạnh tay. TSMC đã cam kết chi 100 tỷ USD trong ba năm để tăng năng lực sản xuất, trong khi Intel đang có kế hoạch xây dựng hai nhà máy mới ở Arizona với 20 tỷ USD. Trong một diễn biến khác, nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC cho biết công ty đang làm việc nhanh chóng để mở rộng công suất cho ra mắt một số kế hoạch trước thời hạn.

TL