Những người trẻ “làm nên chuyện” của điện ảnh tài liệu Việt Nam 2021

14:38 25/01/2022

Năm 2021 vẫn là một năm chìm trong dịch bệnh. Giống như nhiều ngành nghệ thuật khác, điện ảnh là tiếp tục im ắng, khi các rạp chiếu phải đóng cửa và số dự án phim gần như phải dừng lại. Mặc dù vậy, vẫn có một điểm sáng là phim tài liệu, với sự xuất hiện của một số phim hay gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội. Cùng nhìn lại những gương mặt xuất sắc của điện ảnh tài liệu trong năm qua.

Cảnh trong phim Mùa xuân vĩnh cửu
Cảnh trong phim Mùa xuân vĩnh cửu. 

Tạ Quỳnh Tư- Chàng trai bước qua “Ranh giới”

Ngày 8/9/2021, bộ phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn trẻ sinh năm 1980 Tạ Quỳnh Tư được phát sóng trên kênh truyền hình VTV1, và ngay lập tức trở thành một sự kiện được toàn xã hội quan tâm. Bộ phim dài 50 phút, cuốn người xem ngạt thở về những câu chuyện khốc liệt của những số phận không may mắc Covid 19 đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh). Không có lời bình, đạo diễn để câu chuyện của từng nhân vật trong phim tự nói lên mức độ tàn khốc của cơn bão dịch bệnh quét qua Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. “Ranh giới” thực sự là một bộ phim ám ảnh người xem, là những lát cắt hé lộ một phần nào sự thật của cuộc chiến giành giật sự sống của bệnh nhân và các bác sĩ. Cái tên Tạ Quỳnh Tư ngay lập tức trở thành từ khóa nóng nhất trên truyền thông và mạng xã hội. Để có được những thước phim đặc biệt gây chấn động người xem, Tạ Quỳnh Tư cùng ê-kip của mình đã ngược đường vào Nam làm phim trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, phức tạp nhất. Nhóm làm phim khi đó còn chưa định hình được mình sẽ chọn đề tài cụ thể ra sao, chỉ biết rằng tiếng gọi của nghề nghiệp thôi thúc phải đi vào trung tâm của dịch bệnh, để “chia lửa” với các đội ngũ chống dịch, để ghi lại sự thật về cuộc chiến khủng khiếp không chỉ đất nước ta mà cả nhân loại đang trải qua- cuộc chiến chống kẻ thù vô hình- viruts Corona. Cuối cùng nhóm đã chọn bối cảnh cho phim của mình là khu K1 Bệnh viện Hùng Vương- nơi điều trị các thai phụ nhiễm Covid 19.

21 ngày trong khu cách ly, Tạ Quỳnh Tư và ê-kip của mình đã đối mặt với nguy cơ có thể bị nhiễm Covid bất kỳ lúc nào. Họ tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng tình yêu nghề nghiệp và trách nhiệm phải đưa những thước phim chân thực đến với khán giả đã khiến họ quên đi những nhọc nhằn. Có lẽ trong suốt đường đời đã đi qua, đạo diễn trẻ chưa từng đối mặt với sự kiện nào khốc liệt như thế. Anh kể: “Tôi sốc khi chứng kiến, nhìn tận mắt, thấy bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sỹ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy. Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn". Không chỉ có “Ranh giới” ngay sau đó, Tạ Quỳnh Tư còn mang đến cho khán giả một bộ phim khác cũng về tài này, bộ phim “Ngày con chào đời”, như một mảng màu tươi sáng hơn giữa những ngày u ám dịch bệnh. “Con chào đời” kể về khoảnh khắc những thiên thần nhỏ chào đời và phải xa mẹ ngay lập tức để cách ly vì mẹ bị nhiễm Covid. Phim như tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta thêm tin vào cuộc đời, rằng dẫu thế nào sự sống vẫn tiếp tục, mầm xanh vẫn bật chồi sau mưa bão. 

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. 

Tạ Quỳnh Tư tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Hiện anh công tác tại Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam. Trước “Ranh giới”, đạo diễn trẻ người Nam Định đã từng gây ấn tượng qua nhiều phim tài liệu như “Hai đứa trẻ”, “Nẻo đường hội ngộ”, “Đường về”, “Miền đất hứa”, “Chông chênh”, “Ngọn đuốc thế kỷ”…Có thể nói, Tạ Quỳnh Tư là một trong những gương mặt trẻ nổi bật của điện ảnh tài liệu hiện nay vì phong cách làm phim rất riêng, gai góc mà sâu sắc. Phim của anh thường không có lời bình, nhưng thông qua cách chọn đề tài, nhân vật và cách kể chuyện, Tạ Quỳnh Tư mang đến cho khán giả những xúc cảm mạnh mẽ. Đạo diễn trẻ sinh năm 1980 đã sở hữu nhiều giải thưởng mà người làm nghề cùng thế hệ mơ ước như: Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2011, Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2013. Giải A giải Báo chí quốc gia lần thứ XI – 2016, Cánh diều vàng 2016 cho Phim tài liệu xuất sắc và Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc, Giải nhì Liên hoan Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương 2018. Giải Cánh diều bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 2018. Phim “Chông chênh” được trao giải Bông sen vàng Phim tài liệu xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI - 2019 và giải Ấn tượng VTV Awards 2019.

Hà Lệ Diễm- Đạo diễn 9X say mê phim tài liệu 

Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm. 

Ngày 26/11, Ban tổ chức Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 công bố danh sách người chiến thắng tại các hạng mục trong sự kiện năm nay.

Tin vui đối với điện ảnh tài liệu Việt Nam, đạo diễn trẻ người dân tộc Tày Hà Lệ Diễm chiến thắng giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" hạng mục "Tranh giải quốc tế" (​International Competition) với phim “Những đứa trẻ trong sương”(Children of the Mist). Giải thưởng dành cho nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1991 trị giá 5.000 euro. Đây là giải thưởng quan trọng thứ hai, chỉ sau giải dành cho Phim xuất sắc. Ngoài giải thưởng cho cá nhân đạo diễn, phim “Những đứa trẻ trong sương” còn được nhận giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay. Đây là một niềm vui lớn với không chỉ đạo diễn trẻ Hà lệ Diễm, mà còn là tín hiệu lành cho phim tài liệu Việt Nam.

Trong phim  “Những đứa trẻ trong sương” đạo diễn Hà Lệ Diễm kể về cuộc sống của một bé gái 12 tuổi người Mông ở Sa Pa. Di muốn đi học, nhưng sinh ra ở nơi có tục bắt cóc vợ, Di đã không thực hiện được ước mơ đến trường của mình. Qua những thước phim đẹp và buồn về tục "bắt cóc vợ", đạo diễn gửi thông điệp đến người xem, để thấy hủ tục này đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như thế nào, cũng như nguy cơ lợi dụng hủ tục này để bắt cóc trẻ em gái gái bán qua biên giới ở các vùng núi cao.

Cô gái có cái tên rất đẹp Hà lệ Diễm thực chất lại là một cô gái tinh nghịch, hồn nhiên, bướng và lì, đã muốn gì phải làm đến cùng. Diễm theo học ngành báo chí, đi ngược với mong muốn của gia đình là theo nghề giáo viên. Tốt nghiệp đại học, sau một thời gian đi làm báo, Diễm nhận ra mình có một tình yêu lớn lao với phim tài liệu, là thể loại gần với báo chí nhưng lại cho cô cơ hội dấn thân vào những sự kiện, những số phận cuộc sống để truy tìm sự thật. Rồi Diễm đến với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển điện ảnh (TPD) do quý Ford tài trợ, theo học khóa học làm phim tài liệu. Trong khi bạn bè cùng khóa “rơi rụng gần hết” vì không trụ được với công việc làm phim thì Diễm tốt nghiệp với phim đầu tay của mình và được đánh giá tốt. Cô gái quyết định trở thành một nhà làm phim tài liệu độc lập, dấn thân và tìm kiếm những điều mới mẻ trên con đường này. Cô nhận thấy: “Những bộ phim tài liệu Việt Nam tôi đã xem đều có công thức chung: hình ảnh cộng lời bình. Trong khi đó, tài liệu theo phương pháp điện ảnh trực tiếp mà tôi được học lại khác hẳn: hình ảnh đóng vai trò chủ đạo, không có lời bình”. Năm 2012, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển Tài năng điện ảnh TPD tài trợ cho dự án phim "Con đi trường học" của Hà Lệ Diễm. Ngoài sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị thì kinh phí Diễm nhận được để thực hiện bộ phim là...2 triệu đồng. Thế mà từ 2 triệu đồng, cô gái đã làm lên chuyện. Phim “Con đi trường học” của Diễm được các nhà làm phim trong nước ngạc nhiên về cách kể chuyện rất mới, khuôn hình, bố cục đẹp, câu chuyện nhân văn, ý nghĩa. Nữ đạo diễn trẻ xuất sắc giành giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) cho phim ngắn "Con đi trường học" năm 2014. Năm đó cô mới chỉ 23 tuổi. Và Năm 2021, giải thưởng Đạo diễn xuất sắc trong một Liên hoan phim quốc tế chắc chắn sẽ tiếp thêm sự tự tin cho Hà Lệ Diễm để cô tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới, đưa phim tài liệu Việt Nam đến gần hơn với khán giả khu vực và thế giới.

Việt Vũ- Đường đến Oscar 2022

Giấc mơ đến với Oscar của điện ảnh Việt Nam đã trở thành hiện thực nhờ một tin vui đến từ dòng phim tài liệu. Công chúng yêu thích phim tài liệu không thể không vui mừng khi tác phẩm “Mùa xuân vĩnh cửu” (The Eternal Springtime) của đạo diễn Việt Vũ vừa thắng giải "Phim tài liệu ngắn hay nhất" (Grand Prix Documentary Short) tại Liên hoan phim Quốc tế Cork lần thứ 66. Theo quy định, những phim chiến thắng ở các hạng mục: Grand Prix Irish Short (Phim ngắn Ireland hay nhất), Grand Prix International Short (Phim ngắn quốc tế hay nhất) và Grand Prix Documentary Short (Phim tài liệu ngắn hay nhất) tại Liên hoan phim Quốc tế Cork mặc định được góp mặt tranh đề cử tại giải Oscar 2022 ở các hạng mục: Phim hoạt hình ngắn, Phim hành động ngắn và Phim tài liệu ngắn. Như vậy "Mùa xuân vĩnh cửu" có đủ điều kiện được lựa chọn đề cử tại Oscar 2022 hạng mục "Phim tài liệu ngắn xuất sắc". Thông tin này cũng đã được công bố chính thức trên website của hãng Mailukifilms, đơn vị phát hành bộ phim. Không chỉ vậy, phim "Mùa xuân vĩnh cửu" mới đây tiếp tục mang về cho đạo diễn Việt Vũ giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Baku, Azerbaijan. Trước đó, phim này cũng tham gia nhiều Liên hoan phim quốc tế cũng như các sự kiện điện ảnh quan trọng tại Ukraine, Trung Quốc và Azerbaijan.

Việt Vũ được chú ý bởi góc nhìn chân thực trong từng cú máy. Ngôn ngữ điện ảnh của anh giàu biểu cảm, sớm mang một cá tinh riêng biệt, gần với cách làm phim hiện đại của thế giới. Mùa xuân vĩnh cửu được đánh giá là một tác phẩm “Trần thuật từ góc nhìn thứ nhất, lột tả những khoảnh khắc trong hiện tại mong manh của một quốc gia Đông Nam Á giàu lịch sử đang chuyển mình trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Sau cùng, đây là một bộ phim truyền tải những hy vọng mong manh về tương lai”. NSND Đào Bá Sơn nhận định: "Với nét riêng biệt trong cách thể hiện, phim sẽ mang lại những nét đẹp về văn hóa, du lịch và tình hữu nghị đoàn kết với các nước. Ngôn ngữ điện ảnh và phim tài liệu ngày nay rất dễ tìm được tiếng nói chung khi chạm đến cảm xúc người xem trên khắp thế giới bằng sự chân thật trong mỗi góc nhìn của người trẻ làm phim". 

Đạo diễn Việt Vũ
Đạo diễn Việt Vũ. 

Ngoài “Mùa xuân vĩnh cửu”, Việt Vũ còn là đạo diễn của 2 bộ phim tài liệu cũng được giới chuyên môn chú ý khác, là “An Act of Affection” và “Người kiến”. Đạo diễn trẻ này là gương mặt duy nhất từ Việt Nam được chọn tham gia chương trình Seed Lab do tổ chức phi lợi nhuận Southeast Asia Fiction Film Lab (SEAFIC) tổ chức. SEAFIC Seed Lab là hoạt động dành cho các nhà làm phim đang trong giai đoạn khám phá ý tưởng phim dài đầu tiên. Từ đây, các nhà làm phim sẽ có cơ hội được làm việc với các cố vấn của SEAFIC để khám phá và phát triển tầm nhìn trong các buổi giao lưu, học tập, trao đổi trực tuyến được tổ chức trong tháng 12 vừa qua và trực tiếp tại Thái Lan vào tháng 3-2022.

Bình Nguyên