Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến xác định giá không đúng

11:47 24/05/2023

Sáng 23/5, trước phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi), chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội, các đại biểu nhấn mạnh, thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân căn bản của tình trạng trên, theo đại biểu là do chưa có các quy định làm căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá. Do đó, đại biểu nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá... Dự thảo Luật cần có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.

Theo ông Hà Sỹ Đông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, quy định về định giá đất, định giá các tài sản công của Nhà nước so với luật cụ thể chưa rõ ràng, minh bạch nên nhiều người bị kỷ luật, nhiều người bị vi phạm về pháp luật. Trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Vậy nên, nhiều địa phương không dám làm vì sợ không đúng quy định, vướng phải khoảng trống của pháp luật. Chúng tôi đang kiến nghị, mong muốn sẽ quy định nó rõ ràng, minh bạch, đầy đủ hơn trong điều khoản của luật để những tổ chức, những cơ quan, những cá nhân tham gia vào xây dựng định giá mà được các cơ quan tổ chức có thẩm quyền giao sẽ yên tâm thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Còn bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội, chỉ rõ: Thực ra, công cụ quản lý và trách nhiệm của thẩm định viên về giá trong luật, kể cả Luật Giá rất có điều kiện để thẩm định viên hoạt động theo đúng điều kiện của pháp luật, và cũng là công cụ để quản lý. Tuy nhiên, trong quá tổ chức thực hiện có những thẩm định viên chưa làm hết trách nhiệm của mình, có những sai phạm và vi phạm. Nội dung này sẽ được củng cố trong Luật Giá, vừa đảm bảo các điều kiện, không cản trở các điều kiện để các thẩm định viên thực hiện các nghiệp vụ của mình theo chứng chỉ hành nghề đã đăng ký nhưng đồng thời cũng phải có quản lý tốt hơn đối với các thẩm định viên này để không bóp méo các giá trên thị trường mà trách nhiệm của thẩm định viên là phải đảm bảo tính chính xác. Chúng tôi kỳ vọng đợt này sẽ thông qua Luật Giá với chất lượng cao nhất và sẽ lấp được các khoảng trống, cũng như khắc phục những hạn chế trong thời gian vừa qua.

Theo các đại biểu, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã quan tâm điều chỉnh khắc phục những bất cập trong thực tiễn; loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế; chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng thể hiện rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá, trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện, giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư. Tuy nhiên, muốn đánh giá một cách đầy đủ tính hiệu lực hiệu quả của Luật, cần phải có thời gian chứng minh qua thực tiễn thi hành.

P.V