Nhiều “ông lớn” tranh nhau miếng bánh thực phẩm thiết yếu

17:14 31/07/2021

Nhiều “ông lớn” ngành nông nghiệp lên kế hoạch mới, nhằm cung ứng cho thị trường những sản phẩm có in thương hiệu của mình. Không ít đơn vị nhạy bén mở rộng ngành hàng bán lẻ rau củ quả với giá cả và chất lượng cạnh tranh. Thị trường tới đây sẽ đón nhận một cuộc đua mới trong lĩnh vực ngành hàng thiết yếu, ngành hàng nông sản.

Cơ hội cùng Nhà nước giải bài toán bình ổn lương thực

Tại buổi họp báo chiều 16/7, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận thực tế nguồn hàng rau củ quả đang thiếu để cung ứng. Để tháo gỡ, Bộ Công Thương ra văn bản yêu cầu phân “luồng xanh”, ngày 31/7 có hơn 80.000 phương tiện trên cả nước được cấp mã QR code đi vào luồng xanh.

Cũng trong thời gian này, Sở Công Thương TPHCM thực hiện chương trình kêu gọi các công ty start-up tham gia giải quyết bài toán bình ổn lương thực cho người dân.

Có thể kể một “ông lớn” với kinh nghiệm 27 năm trong ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Dalat Hasfarm không ngần ngại chớp thời cơ.

Doanh nghiệp này quyết định chạy thử chương trình cung ứng rau củ quả cho thị trường toàn quốc từ ngày 26/7, đóng góp vào thị trường TPHCM đang khá khan hiếm thực phẩm xanh sạch giá cả bình ổn.

ffs

 Dalat Hasfarm quyết định chạy thử chương trình cung ứng rau củ quả cho thị trường toàn quốc từ ngày 26/7. 

Theo ông Nguyễn Thế Đông- Giám đốc hệ thống bán lẻ & Thương mại điện tử Dalat Hasfarm, các dòng sản phẩm của Dalat Hasfarm, gồm cà chua, xà lách, ớt chuông, dưa leo và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác có tiêu chuẩn Global GAP và VietGAP và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuẩn FSSC 22000. Rau củ quả mang thương hiệu Dalat Hasfarm đều được trồng trong hệ thống nhà kính tại Daron, Lâm Hà và vận chuyển trực tiếp đến các cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Ngoài ra, doanh nghiệp khá trẻ và từng được Dalat Hasfarm đầu tư vốn, Shop Hoa yêu thương cũng quyết định chuyển đổi linh hoạt sang kinh doanh rau củ quả. 

gfh

Ông Phạm Hoàng Thái Dương CEO Shop Hoa yêu thương đã nhanh chóng chuyển đổi ngành hàng sang rau củ quả.  

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông Phạm Hoàng Thái Dương - CEO Shop Hoa yêu thương, cho biết, khi biết ngành hoa tươi của mình không được phép hoạt động, họ đã tìm đủ mọi cách để liên lạc với các cấp chính quyền ở địa phương để thông báo có thể cung cấp rau củ.

“Trong 36 giờ, chúng tôi hoàn tất việc xây dựng kênh thu mua, kênh xử lý đóng gói, hệ thống giao vận, chính sách, website chuyên nghiệp trong cùng khoảng thời gian cho phép đó. Sau hơn 1 ngày chúng tôi đã có thể giao những giỏ rau củ hái từ vườn ở Đà Lạt đến tay người dân Sài Gòn”, ông Dương chia sẻ.

Cũng là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ nông sản hơn 10 năm, LangBiang vừa tăng cường bán hàng vừa kết hợp công tác truyền thông cùng dự án cộng đồng LoveYourBody, tổ chức cuộc thi nấu ăn online “Yêu Hơn Bữa Cơm Nhà”.

Ông Trần Lâm Thắng – Phó Tổng GĐ Công ty Nông sản LangBiang cho biết, mặc dù giai đoạn này tại TPHCM nhu cầu rau củ quả đang tăng cao bất thường trong mùa dịch, Nông sản Langbiang vẫn chỉ cung cấp đúng và đủ số lượng nông sản kiểm soát được chất lượng. Nông sản Langbiang chưa bao giờ đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về doanh số trong lĩnh vực nông sản.

Cũng được biết đến như một thương hiệu quà tặng từ nông sản, L’angfarm nhanh chóng đẩy mạnh marketing online, tăng cường quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, Google, tích cực chạy các chương trình khuyến mại hay sử dụng Influencer Marketing để giúp khách hàng nhận diện thương hiệu tốt hơn. Đặc biệt tăng doanh số đặt mua online.

Kế hoạch cung ứng

Sự khác biệt của Dalat Hasfarm chính là khả năng cung cấp từ trang trại đến tận bàn ăn của người tiêu dùng. Họ chọn hình thức đóng gói sẵn, người dùng sẽ lựa chọn theo các gói từ 250 gram, 500gram đến 1kg được đóng trong màng co, túi lưới, túi giấy, hoặc khay nhựa để dễ dàng, nhanh chóng trong việc mua bán. Ngoài ra, họ cũng thực hiện các combo giá trị từ 160.000-350.000 nghìn đồng với những mặt hàng đã được tuyển chọn sẵn đáp ứng nhu cầu của người dùng.

“Bán rau củ quả trong shop hoa” là việc lần đầu tiên chúng tôi thực hiện do rau củ là sản phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, qua đợt dịch này, việc có tiếp tục bán rau trong shop hoa hay không chúng tôi sẽ cân nhắc và có quyết định sau. Vì rau củ quả cần diện tích trưng bày, nhiệt độ phù hợp, nhân lực có chuyên môn riêng, vì vậy Ban Giám đốc sẽ tính toán lại cho hợp lí để có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng”, ông Nguyễn Thế Đông chia sẻ.

Chia sẻ kế hoạch hành động hỗ trợ người nông dân, ông Trần Lâm Thắng- Phó Tổng Giám đốc Công ty Nông sản LangBiang cho biết, để đầu ra có những sản phẩm tốt, chất lượng và sạch trong thời gian chống dịch covid-19, công ty bắt đầu từ qui trình: Cung cấp giống đạt chuẩn và chất lượng cho bà con nông dân của nông farm LangBiang; lựa chọn loại phân bón và công nghệ chăm; hướng dẫn, kiểm soát và giám sát cũng như đồng hành với các nông hộ; cuối cùng là bao tiêu toàn bộ sản lượng nông sản thu hoạch được của đúng diện tích mà doanh nghiệp cùng nông dân đã đầu tư cùng nhau.

Nông sản LangBiang với đa dạng  sản phẩm tốt, chất lượng và sạch trong thời gian chống dịch covid-19

 Nông sản LangBiang với đa dạng sản phẩm tốt, chất lượng và sạch trong thời gian chống dịch covid-19. 

“Trở ngại lớn nhất trong phân khúc kinh doanh nông sản sạch là một, một số hoặc tất cả ban giám đốc hay nhân viên tự ý đi sai sứ mệnh, đi lệnh giá trị cốt lõi, làm lệch hướng sứ mệnh, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã đặt ra.”, ông Thắng chia sẻ.

Nhiệt huyết và linh hoạt hơn nhờ sẵn quy trình và hạ tầng, ông Phạm Hoàng Thái Dương  cho biết, họ không tốn nhiều ngân sách đầu tư, tất cả đều sử dụng tài nguyên tự có nên chi phí vận hàng khá tốt, nhờ thế có giá rau củ hợp lý.

“Trong 36 giờ, chúng tôi hoàn tất việc xây dựng kênh thu mua, kênh xử lý đóng gói, hệ thống giao vận, chính sách, website chuyên nghiệp. Sau hơn 1 ngày chúng tôi đã có thể giao những giỏ rau củ hái từ vườn ở Đà Lạt đến tay người dân Sài Gòn. Đến thời điểm hiện nay chúng tôi chưa nhận được phàn nàn gì về giá rau củ. Hiện tại, chúng tôi xem đây là công việc chuyển đổi nhất thời hỗ trợ bà con nông dân đầu ra, cũng như bà con TP có thêm kênh lựa chọn. Chúng tôi cũng đang mở rộng kênh thu mua của mình ra các nơi khác như miền Đông Nam bộ và miền Tây. Dự kiến chúng tôi sẽ hoạt động mảng này cho đến khi hết dịch hoặc điều kiện còn cho phép”, ông Dương nói.

Hiện tại, Shop Hoa yêu thương bán ra thị trường theo 2 kênh, kênh online giao trực tiếp cho khách khoảng 1000 đơn mỗi ngày, khoảng 6 tấn/ngày. Kênh offline khoảng 10 tấn/ngày. Trung bình mỗi tấn sẽ dao động khoảng 25-30 triệu đồng.

L’angfarm với những mặt hàng chủ đạo là rau củ quả và đặc sản Đà Lạt đã chế biến

 L’angfarm với những mặt hàng chủ đạo là rau củ quả và đặc sản Đà Lạt đã chế biến. 

Doanh nghiệp khác có thâm niên 11 năm như L’angfarm, hiện có khoảng 40 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều nhất ở Đà Lạt, kế đó là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Bình Dương.

Bà Trần Thị Minh Phương- Head of Marketing L’angfarm cho biết, với những mặt hàng chủ đạo là đặc sản Đà Lạt do Công ty Quảng Thái trực tiếp sản xuất hoặc đóng gói như: Trà atisô, bánh mứt đặc sản, cà phê, hạt, nước cốt, thảo mộc, thịt khô, trà pha ấm, trà túi lọc, trái cây sấy dẻo, trái cây sấy giòn, bột trà xanh matcha, trà sencha hoa,… công ty đang rất thuận lợi trong việc cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản chế biến, đảm bảo bao tiêu nhiều sản phẩm rau củ quả đã có hợp tác với nhà vườn và diện tích họ đã và đang đầu tư.

Mặc dù miếng bánh ngon, nhưng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, và những khó khăn do công tác vận chuyển và nhân công còn thiếu chuyên môn về kinh doanh online cũng đang là trở ngại cho các doanh nghiệp khi bước vào cuộc đua này./.

Mỹ Dung