Nhật Bản hỗ trợ thêm 3,9 tỷ USD cho nhà sản xuất chip bán dẫn Rapidus

16:07 02/04/2024

Rapidus sẽ cạnh tranh với các công ty đầu ngành như TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc trong bối cảnh những công ty này có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet vào năm 2025.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 2/4, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, nước này sẽ cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung lên đến 590 tỷ yen (3,9 tỷ USD) cho tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Rapidus.

Đây là một trong những nỗ lực để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của quốc gia Đông Bắc Á trong bối cảnh cuộc cạnh tranh đang diễn ra gay gắt giữa các nước nhằm thu hút các công ty bán dẫn.

Tập đoàn Rapidus được Chính phủ Nhật Bản và 8 công ty trong nước thành lập vào năm 2022 để phát triển và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trong đó, Toyota và Sony nằm trong số những công ty đã đầu tư hàng tỷ yên vào Rapidus.

Rapidus đã nhận được khoản hỗ trợ 330 tỷ yên từ chính phủ Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023 để triển khai dự án sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet ở thành phố Chitose, tỉnh Hokkaido, từ năm 2027.

Rapidus sẽ cạnh tranh với các công ty đầu ngành như TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc trong bối cảnh những công ty này có kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet vào năm 2025.

Trả lời báo giới, ông Hidemichi Shimizu - quan chức thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói rằng, việc đầu tư vào Rapidus có ý nghĩa hết sức quan trọng khi liên minh này có kế hoạch phát triển chip bán dẫn hiện đại nhất vốn có thể giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực này đối với nước khác như Mỹ, Hàn Quốc hay một số quốc gia châu Âu.

Nhật Bản đang "đặt cược" vào những nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp chip bán dẫn như thời kỳ thập niên 80 của thế kỷ 20 khi các công ty của nước này như Toshiba và NEC đóng vai trò chủ đạo trong thị trường vi chip.

Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, thị phần bán dẫn toàn cầu của Nhật Bản hiện đã sụt giảm xuống khoảng 10% từ mức hơn 50% trong thời kỳ nói trên.

Nhật Bản đang nỗ lực thu hút tập đoàn sản xuất chất bán dẫn TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) mở các nhà máy sản xuất chip tiên tiến ở các địa phương của nước này.

Mới đây, nhà máy đầu tiên của TSMC tại Nhật Bản được xây dựng tại thị trấn Kikuyo ở Kumamoto, dự kiến quý IV/2024 bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn công nghệ, bao gồm cả chip 12 nanomet trong ô tô và thiết bị công nghiệp. 

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito cùng hàng trăm lãnh đạo ngành công nghiệp chip Nhật Bản đã có mặt tại Kumamoto để dự lễ khai mạc vào chiều ngày 24/2, cùng với Chủ tịch TSMC Mark Liu, Giám đốc điều hành C.C. Wei và nhà sáng lập Morris Chang.

TSMC cũng sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy thứ hai ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản trong năm nay. Hoạt động sản xuất ở nhà máy này sẽ bắt đầu vào cuối năm 2027.

Trong khi đó, hãng chip Mỹ Micron cũng đã thông báo vào tháng 5/2023 rằng họ sẽ là công ty bán dẫn đầu tiên đưa công nghệ cực tím đến Nhật Bản để sản xuất thế hệ chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động tiếp theo tại nhà máy ở Hiroshima.

Micron cho biết, họ dự kiến sẽ đầu tư lên tới 500 tỷ yên vào Nhật Bản trong vài năm tới với sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ dành khoản ngân sách nhà nước lên tới 4.000 tỷ yen để giúp tăng gấp 3 lần doanh số bán chip được sản xuất ở trong nước, lên mức hơn 15.000 tỷ yen vào năm 2030. Trong số đó, Rapidus đã nhận được khoản hỗ trợ trị giá vài trăm tỷ yen.

Lan Anh (t/h)