Mỹ rót gần 20 tỷ USD cho Intel để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn

10:45 22/03/2024

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây thông báo cấp cho tập đoàn sản xuất chip Intel gần 20 tỷ USD dưới hình thức trợ cấp và cho vay để hãng này tăng sản lượng chip bán dẫn ở trong nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nhà Trắng thông báo Intel sẽ nhận được tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản vay lên đến 11 tỷ USD, như một phần của Đạo luật CHIPS nhằm thúc đẩy sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Số tiền chủ yếu phục vụ hoạt động của hãng tại Arizona, bao gồm xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy hiện có.

"Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu. "Giờ đây, các linh kiện bán dẫn tiên tiến nhất sẽ được sản xuất tại Mỹ".

Theo quan chức này, chương trình trợ cấp sẽ giúp tăng thị phần chip tiên tiến của nước này lên 20% vào cuối thập kỷ này, từ mức 0% hiện nay.

Trong một tuyên bố, Intel cho biết, sau khi nhận được khoản trợ cấp trên, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD vào các dự án xây mới và mở rộng nhà máy ở 4 bang của Mỹ.

Trọng tâm kế hoạch phát triển của Intel trong 5 năm tới là biến những cánh đồng hoang gần thành phố Columbus, bang Ohio, thành “nhà máy sản xuất chip trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới” bắt đầu từ năm 2027.

Intel cũng đặt mục tiêu nâng cấp các nhà máy ở New Mexico và Oregon, đồng thời mở rộng hoạt động ở Arizona.

Theo giới phân tích, khoản chi kỷ lục cho ngành sản xuất chip cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang "đặt cược" vào Intel trong cuộc đua phát triển chip bán dẫn.

Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới GlobalFoundries đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp khoản tài trợ trực tiếp 1,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, những con chip được GlobalFoundries tạo ra ở các cơ sở mới là "cần thiết đối với an ninh quốc gia" của nước này.

Vào tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chips và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn. Ngay sau đó, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã bày tỏ tự tin rằng nước này có thể xây dựng chuỗi cung ứng để sản xuất các chip tiên tiến, bao gồm phát triển công nghệ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tú Anh (t/h)

Tags: