Nhà vườn trồng hoa Đà Lạt: Điều chỉnh vụ hoa xuân Nhâm Dần 2022 để thích ứng

16:22 15/12/2021

Thị trường vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch Covid-19, vì vậy, buộc lòng các nhà vườn phải điều chỉnh từ khâu canh tác đến việc gắn kết tiêu thụ, với hy vọng nếu thị trường hoa Tết thuận lợi thì sẽ có thu nhập, bù lại những thiệt hại nặng nề trong suốt năm qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm. Cả tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, hợp tác xã sản xuất hoa với 2.927 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2.463 ha sản xuất hoa trong nhà kính; 170,1 ha nhà lưới; có 51 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 72,38 triệu cây giống phục vụ sản xuất hoa thương phẩm. Thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.

Ngành sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt là mũi nhọn kinh tế tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng và đã trở thành thương hiệu của cả nước.

Tuy nhiên, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, ngành hoa Đà Lạt gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu hoa trên thị trường giảm, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hoa giảm không phanh, giá hoa Đà Lạt sụt giảm mạnh.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hoa Tết thích ứng với thị trường trong bối cảnh Covid-19. 

Đến nay, cả tỉnh đã trồng hơn 700 ha hoa các loại, chủ lực vẫn là hoa cúc. Việc kết nối thị trường cũng đã thiết lập trở lại. Nhiều nhà vườn cẩn trọng hơn, ngay từ khi xuống giống đã liên kết với vựa tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa vụ Tết Nhâm Dần 2022 giảm hơn tết năm trước, riêng hoa lily giảm hơn 30%.

Đây là vụ hoa quan trọng nhất trong năm nhưng diện tích gieo trồng hoa các loại để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần bằng khoảng 70% so với những năm trước, tương đương 800 ha.

Nguyên nhân, thời điểm xuống giống hoa lily và giống cúc vụ tết, Đà Lạt đang phải đối phó với dịch Covid-19 nên các công ty ngần ngại trong việc nhập giống, còn các cơ sở ươm giống hoa cúc cũng dè dặt.

Một nguyên nhân khác, do giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng vọt đẩy chi phí đầu tư vụ hoa tết tăng cao, chưa kể thiếu nguồn lao động phổ thông. Ngoài ra, một số người dân thuê đất trồng hoa không còn trụ được nên đã trả lại vườn hoặc một số chuyển đổi qua trồng rau chi phí đầu tư nhẹ hơn.

Khó có thể dự đoán thị trường hoa Tết năm nay. Biết là sẽ gặp nhiều trắc trở nhưng các nhà vườn Đà Lạt không thể không trồng hoa. 

Vì vậy, buộc lòng các nhà vườn phải điều chỉnh từ khâu canh tác đến việc gắn kết tiêu thụ, với hy vọng nếu thị trường hoa Tết thuận lợi thì sẽ có thu nhập, bù lại những thiệt hại nặng nề trong suốt năm qua.

Diệu Hồng