Nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm chính sách thuế, hải quan

10:27 19/02/2022

Đã từ nhiều năm trở lại đây, đối thoại chính sách thuế-hải quan với các doanh nghiệp Hàn Quốc được tổ chức thường niên, là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước chia sẻ về các chính sách tài chính, trong đó tập trung vào lĩnh vực thuế, hải quan, đồng thời cũng là dịp để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp hoặc ghi nhận để nghiên cứu hoàn thiện cơ chế và thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, trong các năm 2019-2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc tổ chức bị ngắt quãng, tới năm 2022 mới được tổ chức với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự nỗ lực của các cơ quan trong việc khắc phục khó khăn, trở ngại để hợp tác phát triển.

Ngày 18/2, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Đại sứ quán Hàn Quốc đã đồng tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách thuế, hải quan Việt Nam-Hàn Quốc. Ngài Park Noh-wan - Đại sứ Đại Hàn dân quốc tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị với lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho biết, trong bối cảnh hoạt động doanh nghiệp (DN) ngày càng được toàn cầu hóa, các quy định và thủ tục hành chính của mỗi nước luôn là vấn đề được các DN đã đầu tư hoặc đang xem xét đầu tư vào quốc gia đó ưu tiên cân nhắc hàng đầu.

Đặc biệt, những nội dung về thuế luôn phức tạp và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Do đó, Hội nghị Đối thoại thuế và hải quan dành cho các DN Hàn Quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn.

“Việt Nam và Hàn Quốc cần phải tiếp tục tăng cường hợp tác. Đặc biệt, năm ngoái hai nước đã sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Hàn Quốc, từ đó góp phần cải thiện môi trường hành chính thuế. Năm nay, hai nước đang tiếp tục nỗ lực sửa đổi Hiệp định hợp tác hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan nhằm tạo ra một môi trường thông quan nhanh chóng và thuận lợi hơn” - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam nói.

Theo ông Park Noh Wan, vẫn còn có những DN phản ánh về những khó khăn do dịch Covid-19 và đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tích cực. Dù hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã được sửa đổi và có hiệu lực, tuy nhiên một số địa phương vẫn chưa nắm được thông tin này khiến một số trường hợp không được áp dụng những ưu đãi đã thay đổi.

Đại sứ mong rằng, Hội nghị Đối thoại thuế là cơ hội để Chính phủ Việt Nam có những ý tưởng nhằm phát triển chính sách về thuế nói riêng và các chính sách điều hành nói chung từ quá trình lắng nghe những vướng mắc của các DN Hàn Quốc và trao đổi để tìm ra biện pháp giải quyết. Ông cũng mong hội nghị sẽ được tổ chức thường xuyên hơn nữa tại các khu vực để lắng nghe nhiều hơn nữa các DN chia sẻ vướng mắc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong năm 2020-2021, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, mà trực tiếp là cơ quan thuế-hải quan, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như giãn hoãn tiền thuế, tiền thuê đất, cũng như chính sách giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Các giải pháp này đã góp phần vào việc bảo đảm dòng tiền, phục hồi sản xuất kinh doanh; từ đó đã hỗ trợ phục hồi chuỗi cung ứng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và duy trì công ăn, việc làm cho người lao động.

Các cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, cũng như thủ tục kê khai nộp thuế, hoàn thuế cho người nộp thuế (kê khai thuế đạt 99,97% số doanh nghiệp; hệ thống hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục và 100% doanh nghiệp tham gia thực hiện). Đáng lưu ý, Luật Quản lý thuế và các văn bản liên quan mới được ban hành là cơ sở để cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thực hiện ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó sẽ mở rộng ra cả nước từ 1/7/2022. Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án hải quan thông minh, nhằm cải cách mạnh mẽ trong việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực hải quan.

Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu sơ lược một số nội dung mới về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan trong thời gian gần đây, đặc biệt là những chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất của Chính phủ Việt Nam.

Các ý kiến của DN Hàn Quốc thắc mắc liên quan đến một số cơ chế chính sách về chuyển nhượng bất động sản một số dự án đầu tư, cơ chế thỏa thuận giá trước về phương pháp xác định giá tính thuế, áp thuế xuất khẩu một số mặt hàng là phế liệu, thời điểm Việt Nam áp dụng thuế theo Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). 

DN Hàn Quốc mong muốn được tạo điều kiện để thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
DN Hàn Quốc mong muốn được tạo điều kiện để thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam./ Nguồn ảnh TBTC 

Trả lời câu hỏi liên quan đến cơ chế thỏa thuận giá trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, APA là chính sách mới đối với Việt Nam. Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC. Giai đoạn tới, cơ quan thuế sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ của các DN để tiến hành đàm phán. Về thời hạn hiện nay quy định là 3 năm nhưng ông Vũ Xuân Bách cho biết, cũng cho phép gia hạn 5 năm.

Đối với kiến nghị về nhà đầu tư mới tiếp nhận dự án của nhà đầu tư cũ thì liệu có được hưởng ưu đãi như đầu tư mới hay không, ông Vũ Xuân Bách cho biết, ưu đãi gắn với dự án đầu tư, khi nhà đầu tư mới nhưng tiếp nhận dự án cũ, thì tiếp nhận toàn bộ các quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ, nghĩa là nếu nhà đầu tư cũ đã hưởng ưu đãi, thì khi tiếp nhận dự án, chỉ được hưởng phần ưu đãi còn lại.

Về thanh tra thuế của Đồng Nai với Công ty Posco, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, khi cơ quan thuế tiến hành thanh kiểm tra, người nộp thuế có quyền nhận biên bản và yêu cầu giải thích, bảo lưu ý kiến và khiếu nại về hành vi của người ra quyết định thanh tra. Do vậy, nếu công ty có căn cứ cho rằng việc xác định khoản truy thu của đoàn thanh tra chưa hợp lý, thì có quyền thực hiện các quy định như trên để đảm bảo quyền lợi của mình.

Về kiến nghị liên quan đến chuyển nhượng khách sạn Lotte Legend Sài Gòn, sau khi nghe trình bày của DN, ông Vũ Xuân Bách đã có trả lời sơ bộ. Theo đó, quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập DN, DN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng nếu có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế tại Việt Nam. Tổ chức nước ngoài dù hoạt động tại Việt Nam hay không, nhưng khi thực hiện chuyển nhượng tài sản thì phải nộp thuế thu nhập DN tại Việt Nam.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cũng đã giải đáp một số kiến nghị liên quan đến thực hiện chính sách thuế xuất nhập khẩu.

Với kiến nghị của Công ty LG Display liên quan đến mặt hàng thuộc đối tượng miễn thuế, ông Âu Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016, hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế, hàng hóa nhập khẩu trong khu phi thuế quan thì không phải nộp thuế.

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, DN phải nộp 1 bản chụp hợp đồng vào khu phi thuế quan, sẽ được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, DN phải cung cấp đủ hồ sơ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định. Nếu xuất trình các hồ sơ theo quy định thì hưởng ưu đãi thuế suất.

Trên thực tế, quy định này còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ nghiên cứu để sửa đổi quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2018/TT-BTC, còn trước mắt nếu không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định tại các thông tư này, thì phải ấn định truy thu thuế.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đã trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về thời điểm Việt Nam áp dụng thuế suất theo Hiệp định thương mại RCEP. Theo đó, hiệp định gồm 15 nước thành viên, có hiệu lực từ 1/1/2022. Do hiệp định được ký theo mã hàng hóa là HS 2012, hiện nay theo danh mục năm 2022, nên hiện nay Việt Nam và các nước thành viên đang trong quá trình rà soát kỹ thuật các biểu cam kết của nhau.

Sau khi hoàn thành rà soát kỹ thuật, Bộ Tài chính sẽ dự thảo nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực thi Hiệp định RCEP. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, để trình Chính phủ ban hành nghị định theo đúng quy trình văn bản quy phạm pháp luật và thực thi đúng lộ trình cam kết, đảm bảo tận dụng lợi ích tối đa từ hiệp định này.

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục rà soát các luật thuế, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung thuế giá trị gia tăng, biểu thuế xuất nhập khẩu để bên cạnh việc hoàn thiện chính sách thuế, công tác quản lý thuế-hải quan cũng sẽ được hoàn thiện.

Qua Hội nghị đối thoại này, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tiếp tục củng cố cơ chế chính sách cũng như thực thi nghiệp vụ để phục vụ ngày càng tốt hơn, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn tới.

Theo số liệu của các cơ quan chuyên môn, các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án, với tổng số vốn đầu tư lũy kế đạt hơn 74 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng số vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam.

DN Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng khoảng gần 1 triệu lao động, đóng góp 30% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, đồng thời tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội.

Cẩm Thi